Xử phúc thẩm vụ tham ô tài sản tại Vinashinlines

18-08-2017 14:39 | Pháp luật

SKĐS - Ngày 17/8, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 3 ngày, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Văn Sơn.

Theo đó, với đơn kháng cáo không phạm tội như bản án sơ thẩm quy kết, Giang Kim Đạt (SN 1977, nguyên Quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines) sẽ được HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại hành vi gắn tội Tham ô tài sản, theo Điều 278-BLHS. Tương tự, quá trình xét xử sơ thẩm và cho đến phiên tòa phúc thẩm này, Trần Văn Liêm (SN 1955, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines) vẫn khẳng định bản thân không hề chỉ đạo đồng phạm làm bậy và chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Do đó, bị cáo này cũng kháng cáo kêu oan. Bị cấp sơ thẩm xác định là đồng phạm giúp sức cho Liêm, bị cáo Trần Văn Khương (SN 1950, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines) cũng cho rằng bản thân luôn làm đúng chức trách được giao và trong vụ việc mua bán tàu biển cũng như gửi giá cước cho thuê tàu biển luôn làm theo chỉ đạo của cấp trên. Mặt khác, bị cáo cũng không hề tư túi cá nhân nên đề nghị Tòa án Cấp cao xem lại toàn bộ bản án đối với bị cáo. Sau cùng là bị cáo Giang Văn Hiển (SN 1950, bố đẻ Giang Kim Đạt) vốn bị TAND TP Hà Nội xác định đã đứng ra mở tài khoản để nhận tiền thu lời bất chính cho con trai. Sau đó, bị cáo này dùng phần lớn tiền phạm pháp để đầu tư vào bất động sản, ôtô nên đã phạm tội Rửa tiền. Quá trình xét xử sơ thẩm, bố Giang Kim Đạt luôn khẳng định hàng trăm tỷ đồng bị đưa ra xem xét là tiền của ông ta, vì thế bị cáo Hiển cũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, cận kề ngày mở tòa phúc thẩm, bố Giang Kim Đạt lại có đơn xin được xử vắng mặt vì lý do sức khỏe. Ngoài ra, vợ con bị cáo Hiển (người liên quan) cũng kháng cáo đề nghị giải tỏa kê biên hàng loạt tài sản. Tại phần thủ tục của phiên tòa phúc thẩm, khi được HĐXX hỏi về nội dung kháng cáo cũng như có thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo hoặc rút đơn kháng cáo không thì cả 4 bị cáo đều lần lượt trình là giữ nguyên các nội dung kháng cáo như trong đơn.Bị cáo Giang Văn Hiển (tại phiên sơ thẩm) kháng cáo kêu oan nhưng lại không đến dự tòa.

Bị cáo Giang Văn Hiển (tại phiên sơ thẩm) kháng cáo kêu oan nhưng lại không đến dự tòa.

Trước đó, vào ngày 22/2/2017, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt án tử hình đối với Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt về cùng tội Tham ô tài sản. Xử phạt bị cáo Trần Văn Khương mức án tù chung thân về tội Tham ô tài sản; Giang Văn Hiển (bố Giang Kim Đạt) 12 năm tù tội Rửa tiền. Theo bản án sơ thẩm, năm 2006, Vinashinlines được thành lập theo quyết định của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Ngày 18/4/2006, bị can Liêm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc. Sau đó, Đạt được tiếp nhận vào công tác tại Phòng Khai thác 2 một thời gian ngắn rồi bị chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đến năm 2008, Đạt lại được Liêm đưa về Vinashinlines và bổ nhiệm vị trí cố vấn cao cấp của Tổng Giám đốc rồi sau đó là quyền Trưởng phòng Kinh doanh. Trong vòng 2 năm (2006 - 2008), Liêm và Đạt đã rút của Vinashinlines hàng trăm tỷ đồng từ việc trích tiền hoa hồng mua và cho thuê tàu.

Cụ thể, các bị can đã chiếm đoạt tiền hoa hồng mua 3 tàu Vinashin Summer, Vinashin Island và Vinashin Phoenix hơn 711.000USD và số tiền gửi giá cước ngoài hợp đồng cho thuê 9 tàu biển hơn 15,2 triệu USD. Ngoài ra, để bỏ túi riêng, Đạt còn nâng tỷ lệ phần trăm tiền gửi nhằm chiếm hưởng cá nhân. Số tiền này, Đạt thông đồng với Khương để ngoài sổ sách. Tổng số tiền các bị can chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỷ đồng (trong đó, Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, Khương chiếm đoạt 1,7 tỷ đồng và Đạt chiếm đoạt 255 tỷ đồng).

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đạt nhờ bố đẻ trực tiếp đứng tên mở 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng trong nước để nhận và rút tiền hoa hồng. Mỗi lần thông báo có tiền, Đạt chủ động cân đối và cung cấp số tài khoản của bị can Hiển cho các công ty nước ngoài chuyển về. Tổng cộng, các công ty nước ngoài có 92 lần chuyển tiền vào tài khoản của Hiển với số tiền hơn 259 tỷ đồng. Bên cạnh số tiền trên, các công ty bán tàu còn nhiều lần chuyển số tiền tổng cộng hơn 1,3 triệu USD vào tài khoản bị can Hiển và số tiền 1 triệu USD vào tài khoản đứng tên Nguyễn Thị Ngân (mẹ đẻ Đạt).

Tại phiên sơ thẩm, Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt, Trần Văn Khương và Giang Văn Hiển đều cho rằng cáo trạng đã truy tố không đúng. Tại tòa, bị cáo Đạt khai số tiền có được là do công môi giới của mình, nhưng theo Viện Kiểm sát, lời khai này là không có cơ sở. Đạt là cán bộ của Vinashinlines, được giao nhiệm vụ mua tàu. Số tiền chuyển về tài khoản của ông Hiển là do chênh lệch hoa hồng từ các thương vụ mua tàu.

Bị cáo Giang Văn Hiển phủ nhận toàn bộ lời khai của con trai, cho rằng tiền đổ vào tài khoản của mình là tiền sạch, kiếm được từ môi giới. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát thấy, lời khai tại cơ quan điều tra cho thấy, khi mở tài khoản là do con trai nhờ để gửi tiền. Trước khi gửi tiền, Đạt đều nói trước với bố. Sau phiên tòa sơ thẩm, cả 4 bị án làm đơn kháng cáo, trong đó Giang Kim Đạt kêu oan. Ngoài ra, Đạt còn bị khởi tố về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức khi dùng giấy tờ giả trốn ra nước ngoài.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn
Tags: