Hà Nội

Xử phạt công ty Đại Lợi 70 triệu đồng và tiêu hủy hơn 2.800 lít cồn

07-09-2017 22:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Quốc tế Đại Lợi hơn 70 triệu đồng và tiêu huỷ hơn 2.800 lít cồn do công ty này sản xuất.

 

Công ty cổ phần quốc tế Đại Lợi có trụ sở tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Địa điểm kinh doanh tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Trước đó, ngày 18/7 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng cồn của Công ty cổ phần Quốc tế Đại Lợi. Tại thời điểm thanh tra, Công ty này đang sản xuất cồn 90 độ và 70 độ. Trên nhãn sản phẩm ghi công dụng: “sát trùng, tiệt trùng dụng cụ, dung môi, đốt làm chín thực phẩm”. Cũng tại thời điểm kiểm tra, Công ty xuất trình được 2 bản tiếp nhận công bố tiêu chuẩn. Tuy nhiên, 2 văn bản này không còn giá trị và không thay thế cho giấy phép sản xuất, lưu hành.

Trước việc sản phẩm cồn của Công ty Đại Lợi không ghi rõ là loại cồn gì nên Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với Cục Quản lý Dược và Thanh tra Bộ Y tế để xin ý kiến. Sau cuộc họp, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kết luận sản phẩm cồn 70 độ và 90 độ của Công ty Đại Lợi thuộc nhóm trang thiết bị y tế, chứ không phải cồn y tế dùng để sát trùng vết thương. Công ty này không có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc giấy chứng nhận lưu hành tự do nên Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính 70 triệu đồng, đồng thời yêu cầu tiêu huỷ hơn 2.800 lít cồn thành phẩm, tương đương 128 triệu đồng.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại cồn gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Riêng cồn y tế phải có quy định về thành phần ethanol và phải được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành. Nếu là cồn y tế 90 độ thì thành phần phải có 90% là cồn ethanol, còn lại gần 10% là nước và tỉ lệ rất thấp tạp chất. Tương tự, cồn y tế 70 độ thì thành phần phải có 70% là cồn ethanol, còn lại gần 10% là nước và tỉ lệ rất thấp tạp chất.

Mẫu chai cồn mà một bệnh nhân dùng để pha thành rượu uống và đã mất mạng

Trước đó, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) liên tục cảnh báo về tình trạng bệnh nhân ngộ độc, thậm chí tử vong do  uống cồn y tế. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong chai cồn lên tới 88%, không tìm thấy ethanol.
Theo ông Nguyễn Đăng Hòa, nguyên hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội, nếu cồn y tế 90 độ thì phải có 90% là cồn Ethanol, còn lại gần 10% là nước và tỉ lệ rất thấp tạp chất. Nếu dung dịch có tới 88% cồn công nghiệp methanol thì không thể gọi đó là cồn y tế được, không có tác dụng sát trùng.

Để phòng tránh ngộ độc methanol trong cồn sát trùng, các tai nạn do nhầm lẫn chai lọ và đảm bảo hiệu quả sát trùng của các loại cồn y tế hiện nay trên thị trường, BV Bạch Mai đã có công văn số 746/CV-BVBM gửi Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) để báo cáo và đưa ra một số kiến nghị trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các sản phẩm cồn sát trùng trong y tế. Theo đó:

- Kiểm tra lại việc có methanol trong các sản phẩm cồn sát trùng, có các biện pháp kiểm soát thành phần này trong cồn sát trùng.

- Yêu cầu ghi rõ nhãn mác các chai lọ, cồn sát trùng các thông tin: hàm lượng ethanol, hàm lượng methanol. Trường hợp có thành phần methanol thì cần phải ghi rõ “chứa cồn công nghiệp methanol – không được uống”.

- Về hình thức các sản phẩm cồn: Nên đóng chai lọ cồn sát trùng và nhãn mác khác hoàn toàn so với chai lọ nước cất, nước rửa mắt, mũi để tránh nhầm lẫn.

- Kiến nghị Bộ Công thương khẩn trương thực hiện các bước để đưa thêm chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp (để tránh việc một số nhà sản xuất cồn sát trùng mua cồn công nghiệp về sơ chế hoặc đóng chai thành cồn sát trùng hoặc kẻ xấu pha cồn công nghiệp thành rượu lậu để bán).

- Bộ Y tế nên thêm chất chỉ thị màu (khác với màu của cồn công nghiệp) vào chai lọ cồn sát trùng để người dân không nhầm lẫn và biết nguy cơ phòng tránh ngộ độc.

 


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn