Xử phạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm không khí: Lúng túng với tội “vô hình”

17-05-2017 11:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong khi việc xử lý, bắt quả tang các doanh nghiệp xả thải rắn, lỏng bừa bãi là đơn giản vì căn cứ trên thực tế, chứng cứ thì việc các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không khí, bụi…

Trong khi việc xử lý, bắt quả tang các doanh nghiệp xả thải rắn, lỏng bừa bãi là đơn giản vì căn cứ trên thực tế, chứng cứ thì việc các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không khí, bụi… lại khó khăn hơn nhiều, bởi “tội chứng” đôi khi cứ bị gió cuốn đi, hoặc chỉ cần hệ thống máy móc ngưng chạy là “tan” hết dấu vết…

Đổ vấy cho "hàng xóm"

Nhiệt độ Thủ đô Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành khác ngày một tăng cao, kèm theo sự oi bức khó chịu. Đặc biệt khi ra ngoài không mang áo che chắn, hoặc khi vô tình nước trên lá cây nhỏ xuống thường thấy da bị nhớp nháp, tình trạng này có sự góp mặt không nhỏ do khói bụi, ô nhiễm môi trường gây nên. Tuy nhiên, việc xử lý các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các hộ làm nghề của hơn 1.300 làng nghề và các nhà máy đang gặp nhiều vướng mắc.

Thực tế thì việc thực hiện quan trắc môi trường không khí tại các nhà máy mới chỉ mang tính hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn, bởi quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí ở Việt Nam còn thiếu, chưa có quy định về giám sát xử lý khí thải của cơ sở sản xuất trong quá trình hoạt động, chưa triển khai hệ thống cấp giấy phép khí thải. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để kiểm soát ô nhiễm môi trường từ địa phương còn khá mỏng.Chất thải rắn, lỏng còn dễ phát hiện, nhưng ô nhiễm không khí thì xử lý phức tạp hơn nhiều.

Chất thải rắn, lỏng còn dễ phát hiện, nhưng ô nhiễm không khí thì xử lý phức tạp hơn nhiều.

Còn doanh nghiệp, như thường lệ luôn rất biết cách đổ lỗi và né tránh. Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì (Hà Nội) từng gặp trường hợp khó xử. Đó là khi lực lượng vào kiểm tra một doanh nghiệp trên địa bàn, phát hiện xả thải không khí ra môi trường nhưng không xử lý được cơ sở sản xuất vì họ đổ vấy cho "hàng xóm" là… nghĩa trang Văn Điển. Họ cho rằng khói nhà máy gần với khói nghĩa trang nên không thể quy kết gì họ.

Với cả nghìn làng nghề quanh Hà Nội, ngoài xả thải phổ biến như chất thải rắn, nước thải… rất dễ thấy bằng mắt thường thì với tiếng ồn, bụi, hay không khí thì việc kiểm chứng khó khăn hơn do cần thông qua quan trắc, lấy mẫu xét nghiệm, thời gian kéo dài đủ để cơ sở lấp liếm. Ô nhiễm môi trường do không khí biến đổi theo thời điểm rất nhanh, trong khi quy định về công tác thanh tra môi trường khi triển khai hoạt động này cần phải báo trước đã tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất đối phó, làm khó cơ quan chức năng.

Xử phạt và tuyên truyền phải cùng mạnh mẽ

Pháp luật môi trường đã có nhiều hình thức xử lý chi tiết đối với hành vi "vô hình" như gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Trên thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn, rắc rối bởi đối tượng khá mơ hồ. Người ta có thể bắt gặp hành vi gây ô nhiễm kiểu này ở mọi nơi, từ cả những hộ dân nhỏ lẻ xung quanh đến những cơ sở sản xuất lớn.

Với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, để kiểm soát, rất cần những nghiên cứu và xây dựng chính sách, giải pháp quản lý phù hợp... Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Hoài Nam thì trước mắt, các cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng không khí. Đồng thời, tăng cường nguồn lực thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và huy động sự tham gia giám sát của cộng đồng trong công tác quản lý chất lượng không khí.

Về lâu dài, cần kết hợp đồng bộ các nhóm công cụ nhằm quản lý chất lượng không khí, tăng cường áp dụng công cụ kinh tế trong quản lý như: Cơ chế trao đổi hạn ngạch khí thải công nghiệp, dịch vụ, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Công cụ kỹ thuật cũng cần được thực hiện thông qua việc đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các khu công nghiệp, xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí và thực hiện kiểm tra nguồn phát thải ở các nhà máy...

Ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đề xuất để giải quyết tận gốc, cần chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ môi trường; đồng thời khuyến khích các đơn vị tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, tích cực sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo...

Dẫu biết việc xử lý tội gây ô nhiễm không khí của các cơ sở sản xuất là khó khăn trong điều kiện thực tế nhưng không có nghĩa là buông lỏng mà trái lại, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu các giải pháp hiện đại, song song với hệ thống pháp lý chặt chẽ để thẩm định điều kiện ngay từ khi doanh nghiệp chưa bắt tay vào việc sản xuất.


Bình An
Ý kiến của bạn