Xử phạt 77 doanh nghiệp sai phạm về quảng cáo TPCN 1,6 tỷ đồng

18-07-2015 16:38 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong số những vi phạm về TPCN thời gian qua mà cơ quan quản lý phát hiện được, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, hơn 53% số lượng doanh nghiệp vi phạm về TPCN là vi phạm liên quan tới quảng cáo

Theo TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, trong 6 tháng năm 2015, tổng số tiền phạt về những hành vi sai phạm trong quảng cáo liên quan đến thực phẩm chức năng (TPCN) là 1,6 tỷ đồng ở 77 doanh nghiệp vi phạm.

Trong số những vi phạm về TPCN thời gian qua mà cơ quan quản lý phát hiện được, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, hơn 53% số lượng doanh nghiệp vi phạm về TPCN là vi phạm liên quan tới quảng cáo (như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt). “Do vậy thời gian tới Cục An toàn thực phẩm sẽ xử lý nghiêm với hành vi vi phạm như phạt tiền, rút giấy phép, công khai sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, cơ quan phát hành quảng cáo "siết" quảng cáo TPCN”- ông Phong cho biết.

Cũng theo ông Phong, bất kỳ TPCN nào khi đã công bố và được phép lưu thông trên thị trường là đảm bảo chất lượng (trừ sản phẩm bị làm giả). Tuy nhiên, trong số hơn 10.000 sản phẩm TPCN đang lưu thông trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50-60% trong số đó là "sống" được, tức là được người tiêu dùng chấp nhận, còn lại là "tự diệt" vì không được người tiêu dùng ưu chuộng.

Nhiều loại TPCN đươc doanh nghiệp thổi phồng chất lượng như thần dược
Nhiều loại TPCN đươc doanh nghiệp thổi phồng chất lượng như "thần dược"

Liên quan đến chất lượng TPCN, trước một số ý kiến đang lo ngại tình trạng "tiêu cực" trong công bố kết quả kiểm định chất lượng TPCN của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng kết quả kiểm nghiệm một sản phẩm TPCN không chỉ tiến hành duy nhất ở một địa chỉ mà được gửi tới nhiều cơ quan khác nhau để kiểm nghiệm. Đó còn chưa kể, sau khi kiểm nghiệm xong, cơ quan quản lý phải lưu hai mẫu, một ở chính cơ quan kiểm nghiệm, một tại doanh nghiệp. Các mẫu phải được niêm phong, khi xảy ra vấn đề khiếu kiện hay tranh chấp, hai mẫu ở hai nơi này sẽ được đem đi kiểm nghiệm lại để lấy đó làm căn cứ kết luận.

Ngoài ra, hiện theo quy định, hàng năm các phòng kiểm nghiệm phải có chương trình đánh giá sự phù hợp. Cụ thể, các cơ quan quản lý có thể lấy ngẫu nhiên một sản phẩm nào đó, không định danh trước, không có tên doanh nghiệp gửi đi các phòng kiểm nghiệm để xác định kết quả, nếu phòng kiểm nghiệm nào cho ra kết quả chênh lệch quá phạm vi cho phép, khác biệt với các kết quả của phòng kiểm nghiệm khác sẽ bị giám sát lại quy trình để đánh giá lại. " Với những quy định chặt chẽ nêu trên, tôi cho rằng khó có chỗ cho "tiêu cực" tồn tại"- ông Phong nói

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn