Hà Nội

Xử nghiêm các vi phạm khai thác khoáng sản, ảnh hưởng xấu tới môi trường

23-12-2020 11:37 | Xã hội
google news

SKĐS - Việc khai thác khoáng sản sai quy định, sai mốc giới vẫn đang diễn ra tại Tây Nguyên khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống người dân bị đảo lộn. Cùng với nguy cơ nguồn tài nguyên bị rút ruột là nỗi bức xúc của người dân. Vì vậy, việc xử lý mạnh những hành vi khai thác sai phạm này là điều cần thiết và cấp bách.

Nhiều công ty khai thác khoáng sản không theo quy định

Nhiều ngày đã trôi qua nhưng người dân sống ở huyện Đăk Mil (Đăk Nông) vẫn còn ám ảnh trước cái chết thương tâm của thợ phá đá Quách Văn Lương cũng như nạn khai thác đá sai quy định tại địa phương này.

Nổi cộm lên là sự ngang nhiên vi phạm của Công ty TNHH Thạch Lợi do ông Thạch Kim Minh làm giám đốc. Với các vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân, công ty này đã bị UBND tỉnh Đăk Nông ra quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, vì các món hời từ khai thác đá, ông Thạch Kim Minh vẫn âm thầm thuê Lê Văn Tuân và Quách Văn Lương (trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) chế tạo các loại chất nổ, mang đến các mỏ đá để nổ trộm với khối lượng lên đến trên 2.500m3. Khi đang tiếp tục thực hiện các “phi vụ” tiếp theo, chất nổ đã khiến cho Quách Văn Lương tử vong tại chỗ, Lê Văn Tuân tàn phế, thương tật trên 40%.

Nhiều công ty khác trên địa bàn tỉnh Đăk Nông cũng gây bức xúc đối với các khu dân cư khi thời hạn hoạt động đã hết nhưng vẫn không đóng cửa mỏ theo quy định của nhà nước như: Công ty TNHH một thành viên Trùng Dương; Công ty TNHH Xây dựng Sơn Hải…

Suốt thời gian dài, người dân tỉnh Lâm Đồng cũng bức xúc trước nguy cơ thất thoát khoáng sản nhà nước khi Công ty TNHH Hưng Nguyên khai thác đá tràn lan, không đúng theo giấy phép. Bên cạnh đó, các công ty khác như: Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Hà Hưng; Công ty TNHH Hà Thanh; Công ty CP Đầu tư và Khai thác khoáng sản Đức Phú...không chỉ gian lận trong khai thác mà còn tác động xấu đến môi trường.

Khai thác khoáng sản tràn lan, ảnh hưởng tới môi trường và đời sống nhân dân.

Khởi tố và xử phạt nặng

Để tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, hạn chế sự phá hủy môi trường, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông đã truy tố ông Thạch Kim Minh về tội chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ gây chết người, ông Minh còn bị khởi tố tội trốn thuế. Đối với các công ty gian lận, không thực hiện đóng cửa mỏ gây bất bình dư luận như: Công ty TNHH  một thành viên Trùng Dương; Công ty TNHH Xây dựng Sơn Hải... đã bị xử phạt, khuyến khích người dân giám sát các hành vi vi phạm của những đơn vị này.

Nắm bắt bức xúc của người dân, để ngăn chặn kịp thời việc hủy hoại môi trường, rút ruột khoáng sản, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng đã đồng loạt xâm nhập hiện trường, kiểm tra và lập biên bản nhiều công ty khai thác đá vi phạm. Trên cơ sở này, ngày 17/12/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt nặng nhiều công ty.

Điển hình như Công ty TNHH Hưng Nguyên (trụ sở Phường 9, TP Đà Lạt) bị phạt 750 triệu đồng vì khai thác vượt ra ngoài ranh giới được cấp phép với diện tích 1,46 ha, khối lượng đá nguyên khối đã khai thác ngoài ranh là 196.000m3; không lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại nơi vận chuyển khoáng sản...

Bên cạnh đó công ty này phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp từ khai thác khoáng sản mà có là gần 3 tỷ đồng, đồng thời phải khôi phục lại môi trường đã xâm hại, phá hủy. Cũng bị phát hiện gian lận, khai thác ngoài ranh giới cho phép, xâm hại môi trường, Công ty CP Minh Định (Phường 8, TP Đà Lạt) bị phạt số tiền 270 triệu đồng, khôi phục, cải tạo lại môi trường đã tàn phá.

Các doanh nghiệp khác như: Công ty CP Đầu tư và Khai thác khoáng sản Đức Phú (địa chỉ xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) bị xử phạt hành chính số tiền 170 triệu đồng; Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Hà Hưng (trụ sở Phường 11, quận Gò vấp, TP Hồ Chí Minh) bị xử phạt hành chính số tiền 272 triệu đồng; Công ty TNHH Hà Thanh (địa chỉ xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) bị xử phạt hành chính số tiền 170 triệu đồng... vi khai thác khoáng sản không đúng quy định tại Lâm Đồng. Các công ty này phải khôi phục lại môi trường đã xâm hại, nộp số tiền từ việc gian lận trong rút ruột khoáng sản mà có.


Bài, ảnh: Đông Hưng
Ý kiến của bạn