Xử lý vi phạm giao thông theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Còn nhiều băn khoăn

03-08-2016 11:35 | Pháp luật
google news

SKĐS - Nghị định 46/2016/NĐ-CP Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã chính thức có hiệu lực.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã chính thức có hiệu lực. Trong những ngày đầu triển khai, đợt cao điểm lần này đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn như: quy định xử phạt vượt đèn vàng như đèn đỏ, không ít người vẫn còn bỡ ngỡ với mức phạt mới,...

Vi phạm nồng độ cồn, có thể bị phạt tới 18 triệu đồng

Nghị định 46/2016/NĐ-CP đưa ra những mức phạt hành chính ở mức cao, theo đó, hơn 100 lỗi vi phạm Luật Giao thông sẽ bị tăng mức xử phạt và rất nhiều lỗi bị tăng gần gấp đôi. Ví dụ như, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ôtô từ 22-24 tháng, hoặc phạt tiền từ 16-18 triệu đồng (trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Ngoài ra, mức phạt trên còn được áp dụng đối với hành vi lái xe nhưng nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép.

Xử lý vi phạm theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã mang lại nhiều hiệu quả  ngay từ những ngày đầu ra quân.

Ghi nhận trong những ngày đầu tiên Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực, tại TP. Hà Nội, cùng với việc triển khai Nghị định số 46 của Chính phủ, ngày 1/8, Phòng CSGT - CATP Hà Nội cũng bắt đầu triển khai Kế hoạch số 88 tổng kiểm tra xử lý người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện vi phạm các quy định về mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông và các hành vi vi phạm dừng, đỗ sai quy định. Theo đó, tất cả những trường hợp người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm các quy định về đội MBH sẽ bị xử lý nghiêm, đặc biệt là học sinh, sinh viên, các đối tượng ngổ ngáo. Cụ thể, CATP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý gần 600 trường hợp, tạm giữ hàng chục phương tiện và hàng trăm bộ giấy tờ. Trong đó, gần 50 trường hợp vi phạm về dừng, đỗ; hơn 500 trường hợp không đội MBH.

Tại TP. Đà Nẵng, Phòng CSGT (Công an TP. Đà Nẵng) cũng đã ra quân thực hiện việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ. Trong ngày 1/8, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản 208 trường hợp vi phạm với các lỗi vi phạm chủ yếu là đi không đúng làn đường quy định, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, không đội MBH...

Xử phạt vượt đèn vàng như đèn đỏ, vẫn còn băn khoăn

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế cho các Nghị định 171/2013/NĐ-CP và 107/2014/NĐ-CP), người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau. Mức phạt tiền cho hành vi vượt đèn vàng cao gần gấp đôi so với hiện hành: với ôtô có thể lên tới 2 triệu đồng và 400.000 đồng đối với môtô, xe gắn máy... Tuy nhiên, quy định này vẫn đang gây nhiều tranh cãi, thậm chí có nhiều người cho rằng, việc nâng mức phạt vượt đèn vàng ngang bằng vượt đèn đỏ là không đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Cao Thế Luận (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, mỗi tín hiệu đèn có một tính chất và ý nghĩa riêng. Tính chất lỗi của vượt đèn vàng nhẹ hơn mức độ lỗi của vượt đèn đỏ nên Nghị định 171/2013 quy định mức phạt vượt đèn vàng thấp hơn mức phạt vượt đèn đỏ. Nếu quy định 2 mức phạt như nhau cũng có nghĩa mức độ lỗi cố ý vượt đèn như nhau. Trên thực tế, rất khó để xác định thế nào, khi nào được coi là vượt đèn vàng, ranh giới trước vạch và qua vạch dừng. Nếu quy định mức phạt vượt đèn vàng cao bằng vượt đèn đỏ sẽ dẫn đến tâm lý khi bất ngờ phát hiện đèn xanh sắp chuyển sang tín hiệu đèn vàng, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ dừng lại để tránh không vi phạm lỗi vượt đèn vàng vì mức phạt tiền quá cao. Khi đó, tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều hơn khi người phía sau vẫn còn đang di chuyển trong phạm vi đèn xanh.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, “tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ”. Theo đó, tín hiệu đèn vàng có tác dụng bổ trợ cho đèn đỏ và làm tiền đề để các phương tiện tham gia giao thông nhận biết, giảm tốc độ trước khi dừng hẳn ở đèn đỏ. Ở nước ta, tín hiệu đèn vàng thường kéo dài từ 1-3 giây, có nơi 5 giây trước khi chuyển sang đèn đỏ. Với văn hóa giao thông ở nước ta hiện nay còn kém, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành hiệu lệnh giao thông phổ biến trong khi các phương tiện hỗ trợ việc phát hiện vi phạm giao thông còn hạn chế thì việc quy định người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ là bất cập, không hiệu quả, dễ nảy sinh cự cãi giữa người điều khiển giao thông và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Một thực tế nữa là khi thấy đèn vàng, thay vì giảm tốc độ và dừng trước vạch, người tham gia giao thông càng tăng tốc để vượt qua ngã ba, ngã tư nên nếu người tham gia giao thông phía trước chấp hành đúng quy định sẽ bị người tham gia giao thông phía sau va quệt, gây tai nạn... Luật sư Chánh nhấn mạnh, Nghị định 46 “đánh” vào túi tiền để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông nhưng rất có thể tạo những tình huống khó xử, nguy hiểm khi tham gia giao thông. Khi ý thức tham gia giao thông như nhau, quy định pháp luật sẽ được áp dụng một cách hiệu quả, còn không sẽ tạo ra bất cập.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn