Thời gian gần đây, tình trạng lái xe vi phạm giao thông nhưng cố tình chống đối, bỏ chạy đã khiến nhiều chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) phải đánh đu lên cửa xe, cần gạt nước. Hiện tượng tưởng chừng như hy hữu lại đang trở thành câu chuyện thường xuyên ở nhiều đô thị lớn.
Gần đây nhất là vụ một CSGT Công an TP. Hà Nội bị thương do xe tải kéo lê hàng chục mét, hiện có nhiều ý kiến dư luận xung quanh vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, việc CSGT bám cần gạt nước, đánh đu trên đầu xe... là thiếu chuyên nghiệp trong khi vẫn có thể lựa chọn các cách xử trí khác tốt hơn... Phải thừa nhận là ý thức của người tham gia giao thông ở ta rất kém. Tuy nhiên, bên cạnh việc phẫn nộ với những kẻ cố tình coi thường luật pháp, không ít người cho rằng CSGT làm việc thiếu chuyên nghiệp, chưa nói thái quá trong việc xử trí một số tình huống. Điều đó không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân chiến sĩ công an mà còn nguy hiểm đến tính mạng người đi đường.
Dư luận cho rằng, hình ảnh đu người bắt xe của CSGT được cho là dũng cảm, nhưng ở một góc độ khác, lại cho thấy CSGT này có gì thiếu chuyên nghiệp. Chúng ta không thiếu gì cách an toàn để bắt dừng một chiếc xe vi phạm. CSGT không nhất thiết cứ phải lao ra giữa đường trước bao nhiêu xe cộ nườm nượp qua lại để chặn xe, rất nguy hiểm.
Ý kiến của đa số luật sư cho rằng, phải có cái nhìn đa chiều về tình trạng chống người thi hành công vụ. Cũng có trường hợp CSGT xử lý quá cứng nhắc, áp dụng luật không linh hoạt khiến lái xe không phục, không tuân thủ. Có trường hợp CSGT là người có lỗi, chẳng hạn, trường hợp CSGT đang đứng quá sát ở đầu xe ôtô mà lái xe rồ ga thì buộc CSGT phải nhảy lên nắp ca-pô hay bám cần gạt nước của xe nếu không thì nguy hiểm cho tính mạng. Còn trường hợp cách xa khoảng 3-4m mà CSGT cố tình không tránh thì cũng có lỗi. Hay nhiều trường hợp, cũng không cần phải liều mình truy đuổi đến cùng nếu như việc đó không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Có lẽ hiếm ở nơi nào, những người làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh trên các cung đường lại bị kháng cự nhiều như ở ta. Chuyện CSGT bị hất lên nóc ca-pô diễu phố, bị nhốt trên xe phóng vèo vèo hàng km... đếm sơ sơ cũng đến cả chục trường hợp. Theo quy định, vị trí đứng của CSGT khi làm nhiệm vụ phải tuân theo quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát vi phạm do Bộ Công an ban hành. Một tổ thường có từ 2-3 cảnh sát, nhiều nhất là 5 người. Vị trí đứng của mỗi người, ai ra tín hiệu dừng xe, ai lập biên bản xử lý, kiểm tra giấy tờ xe... đều có đội hình.
Chính vì thế, CSGT cần phải rút kinh nghiệm từ những vụ việc xảy ra, nên xử sự chuẩn mực và không quá cứng nhắc. Ngoài ra cũng phải biết coi trọng sự an toàn của bản thân và tổ công tác. Các vụ CSGT bất đắc dĩ phải “diễn xiếc” trên nóc ca-pô thường là do hành vi cố tình của lái xe, song mỗi cán bộ phải biết tìm cách ứng xử sao cho linh hoạt, thông minh.
Nhiều người trong và ngoài ngành công an cho biết, không nhất thiết CSGT phải chặn đầu xe để xử lý vi phạm. Việc xử lý có nhiều cách khác như phạt nguội, tổ chức truy đuổi... Việc truy đuổi chỉ nên thực hiện trong các trường hợp nghiêm trọng như vận chuyển ma túy, hàng cấm, cướp giật, tai nạn liên hoàn... vì rất dễ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Các trường hợp thông thường, CSGT có thể thông báo cho tổ công các, tổ tuần tra liên tuyến, liên tỉnh để xử lý.