Xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm: Phải mạnh tay hơn

31-03-2017 14:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian vừa qua, hàng loạt nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống tại Hà Nội bị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm...

Thời gian vừa qua, hàng loạt nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống tại Hà Nội bị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng tình trạng này vẫn diễn ra triền miên bởi mức phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Dư luận cho rằng, để tạo chuyển biến trong công tác này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng với những biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Cuối năm 2016, tại tỉnh Khánh Hòa, sau khi dùng bữa tối tại nhà hàng ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa), nhiều thực khách đã phải vào bệnh viện cấp cứu với những triệu chứng nghi bị ngộ độc thực phẩm. Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa vừa cho biết, kết quả kiểm nghiệm cho thấy nguyên nhân khiến 119 người bị ngộ độc sau khi ăn tối tại một nhà hàng ở đường Trần Phú, TP. Nha Trang là do món tôm hấp dừa bị nhiễm vi khuẩn Clostridium perfringens cao gấp 550 lần cho phép. Và gần đây, chiều 13/3, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, liên quan đến vụ 9 sinh viên nhập viện vì ngộ độc rượu, hiện nay đã có 3 sinh viên được ra viện. Trong nhóm sinh viên này, có 4 người chịu di chứng ảnh hưởng thị lực, 3 người có dấu hiện tổn thương não.

Đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ việc về mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra thời gian qua. Theo Sở Y tế Hà Nội,  trong năm 2016, chỉ riêng tại Hà Nội đã phát hiện gần 16.000 cơ sở (trên tổng số 90.000 cơ sở) vi phạm an toàn thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt trên 24 tỷ đồng. Trong đó vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn luôn chiếm một tỷ lệ lớn tổng số các cơ sở vi phạm.

Đảm bảo những thức ăn đặt lên bàn ăn của thực khách là thực phẩm sạch và an toàn tuyệt đối là trách nhiệm của bất cứ đơn vị kinh doanh nhà hàng, cơ sở kinh doanh nào. Nhiều nhà hàng  hiểu được tầm quan trọng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên cũng không ít đơn vị không coi trọng vấn đề này dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có thể thấy, những vi phạm do ngành chức năng phát hiện chủ yếu xoay quanh giấy tờ chứng nhận và phương tiện làm việc như: Không để riêng thực phẩm sống và thức ăn chín, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định hoặc có nhưng đã hết hạn từ lâu.

Hiện nay, các biện pháp xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu là xử phạt hành chính, phạt tiền. Biện pháp xử lý nặng nhất hiện nay là tước giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 1 - 3 tháng nếu tái phạm… Với biện pháp và mức xử phạt hành chính như hiện nay sẽ rất khó ngăn chặn hành vi tuồn thực phẩm "bẩn" vào nhà hàng, quán ăn. Chính vì thế, rất cần chế tài có đủ sức răn đe, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan… thì mới tạo được chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


Hồng Hà
Ý kiến của bạn