(SKDS) - Tôi bị nhiều vết chai ở gốc các ngón tay phía bàn tay, nhất là ở gốc các ngón giữa, đeo nhẫn và ngón út. Những vết chai cứng này nhiều khi có hại như khi tôi xoa lên mặt thì gây đau xước trên da mặt... Tôi phải xử lý những vết chai này thế nào?
Nguyễn Thị Duyên (duyennguyen@gmail.com)
Vết chai là một vùng da bị hóa sừng, do quá sản các lớp thượng bì, nhất là ở lớp sừng; ở tổ chức đệm là một khối xơ do tổ chức xơ phát triển quá mức. Vết chai thường có màu ngà, vàng, nổi khum lên, hình tròn hay bầu dục, sờ vào rất cứng, vùng ranh giới với da lành có thể bị nứt, có khi bị nhiễm khuẩn gây đau, có khi ở trung tâm vết chai bị bong sừng tạo nên một lõm ở giữa. Khi vùng da thường xuyên tiếp xúc và cọ xát với một vật nào đó lâu ngày như dụng cụ lao động, giày dép sẽ xuất hiện vết chai. Nếu nguyên nhân chai do giày dép thì nên đi giày dép rộng, đệm bằng mút để phân bố lại lực tì đè cho hợp lý. Nếu do cầm nắm dụng cụ lao động thì cần đeo găng tay khi lao động.
Bạn có thể xử lý vết chai bằng các cách sau: ngâm vết chai với nước muối ấm mỗi ngày 30 phút, làm đều đặn sau 1 tuần sẽ thấy hiệu quả. Ngâm vết chai trong hỗn hợp nước hàn the và iốt từ 15 - 20 phút, sau lau bằng khăn tắm. Dùng nước ép của trái đu đủ để bôi lên vùng bị chai trong khoảng 15 phút, đồng thời massage cho khu vực này rồi rửa lại với nước ấm. Thoa đều chanh lên vết chai trong khoảng từ 10 - 15 phút rồi rửa lại với nước, thực hiện trong 1 - 2 tuần thì lớp da chai sẽ được thay bằng một làn da mịn màng.
BS. Ninh Hồng