Xử lý và phòng tránh rắn lục đuôi đỏ cắn

12-12-2014 13:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều, tấn công người mọi lúc mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị khiến người dân hoang mang.

LTS: Thời gian gần đây, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều, tấn công người mọi lúc mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị khiến người dân hoang mang. Trên địa bàn các tỉnh từ Bắc chí Nam: Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Cần Thơ..., nhiều người dân phải nhập viện để điều trị vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã có Công văn số 1313/KCB-NV về việc điều trị rắn độc cắn... Để giúp bạn đọc biết cách xử lý đúng và phòng tránh rắn lục cắn, chúng tôi đăng tải ý kiến của các chuyên gia.

Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người dân cần sơ cứu kịp thời trước khi đưa đến cơ sở y tế gần nhất (ảnh nhỏ trái), một ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn (ảnh nhỏ phải).

Đặc điểm của rắn lục đuôi đỏ

Rắn lục đuôi đỏ (Trimeresurus albolabris) thuộc họ rắn lục (Viperidae) là loài rắn có nọc độc chỉ xếp sau loài rắn hổ mang chúa. Điểm khác biệt là rắn lục đuôi đỏ không đẻ trứng mà đẻ ra rắn con, mỗi lứa đẻ từ 7-16 con. Trong mùa sinh sản, rắn cái rất hung dữ và có nọc độc nguy hiểm. Loại rắn này có nhiều nọc độc với hơn 20 thành phần khác nhau. Hơn nữa, vết cắn của loài rắn này thường bị chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Rắn lục đuôi đỏ thuộc nhóm có nọc độc gây rối loạn đông máu và xuất huyết thuộc họ rắn lục (gồm rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn chàm quạp). Rắn lục đuôi đỏ có mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Tổng chiều dài con đực 600mm, con cái dài 810mm; chiều dài đuôi con đực 120mm, đuôi con cái 130mm.

Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân có thể bị tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, nọc độc di chuyển nhanh đến tim gây rối loạn đông máu và dẫn đến tử vong.

Những việc cần làm ngay sau khi rắn lục đuôi đỏ cắn

Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân và những người xung quanh cần giữ bình tĩnh để sơ cứu đúng một cách nhanh chóng để giảm đau nhức, sưng nề, xuất huyết, tán huyết, hoại tử… cho nạn nhân.

Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, tuyệt đối không chích rạch vết cắn.

Xử lý theo các bước sau:

Bước 1: Nạn nhân cần được nằm yên bất động bởi vận động lúc này sẽ làm cho nọc độc xâm nhập nhanh vào cơ thể. Nếu có đeo đồ trang sức gần vùng bị cắn thì phải nhanh tay cởi để tránh bị chèn ép, gây sưng nề.

Bước 2: Cách sơ cứu hiệu quả nhất là phải làm chậm tốc độ của nọc độc vào hệ tuần hoàn, nếu để nạn nhân vận động thì nọc độc sẽ xâm nhập cơ thể với tốc độ nhanh hơn. Bởi vậy, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, cần cố định chân hay tay bị cắn bằng nẹp để tránh vận động. Sau đó, sử dụng phương tiện vận chuyển an toàn nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

Bước 3: Nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để truyền huyết thanh kháng nọc rắn bởi truyền huyết thanh có hiệu quả nhất trong 4 giờ đầu sau khi bị rắn cắn. Khi vận chuyển cần chú ý giữ cho nạn nhân nằm yên.

Đặc biệt chú ý, việc sử dụng các loại thuốc dân gian, thuốc cổ truyền, chữa bằng mẹo,... đều không nên làm vì không có ích lợi và làm mất cơ hội cứu chữa. Nếu đắp thuốc nam tại vết cắn dễ gây nhiễm khuẩn thêm. Nhiều loại thuốc nam dạng uống dễ gây nguy hiểm thêm cho nạn nhân: gây co giật (vì có chứa mã tiền) mặc dù có thể chữa được liệt, gây đau bụng, nôn, ỉa chảy rất nặng dẫn tới mất nước, mất muối, bị sốc hoặc tắc ruột vì táo bón...

Phát quang bụi rậm để loại bỏ nơi trú ẩn của rắn lục đuôi đỏ.

Biện pháp phòng tránh rắn lục đuôi đỏ cắn

Do rắn lục đuôi đỏ có độc tính là gây rối loạn đông máu, chảy máu nên nếu bệnh nhân sau khi bị cắn đi lại nhiều, hốt hoảng chạy về nhà đến cơ sở y tế khiến toàn chi sưng to, phù nề rất nhanh. Tùy thuộc vào nhiễm độc nhiều hay ít mà có thể bị phù nề bàn chân, gốc chi... Nếu trường hợp tổn thương nhiều, rắn lục đuôi đỏ cắn mà không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong do chảy máu, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Chính vì vậy, bệnh nhân được cấp cứu càng sớm càng tốt.

PGS.TS.Phạm Duệ

Để phòng tránh rắn lục đuôi đỏ cắn, mọi người dân cần lưu ý dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cỏ, phát quang bụi rậm để loại bỏ nơi trú ẩn của rắn lục đuôi đỏ, đồng thời cần giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, diệt chuột và các côn trùng bởi đây là những con mồi yêu thích của loài rắn lục đuôi đỏ. Các gia đình cần kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở ở tường xung quanh nhà, trét kín bởi đó chính là nơi mà những con rắn lục đuôi đỏ thường trú ẩn. Nếu có điều kiện, các hộ gia đình có thể trồng các loại cây: sả, sắn dây, hoa lan tỏi… để ngăn rắn lục đuôi đỏ đến gần.

Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và ban đêm. Nếu đi ra vườn, ruộng, nên đi ủng, giày cao cổ và mặc quần dài, nhất là đi trong đêm tối. Đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ vì rắn lục đuôi đỏ thường treo mình trên cành cây, dễ tấn công người. Dùng đèn pin, đèn bão nếu ở trong bóng tối hoặc đi ban đêm. Khi gặp rắn, không đe dọa rắn, không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín. Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất. Không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn. Không đến gần các nơi rắn thích cư trú như đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm của gia đình.

BS. Phạm Văn Thân

 

PGS.TS. Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Nhận biết và xử trí đúng, rất quan trọng

Theo PGS.TS. Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, rắn lục đuôi đỏ thường sống trên cây chính vì vậy đa số những người bị rắn cắn vào tay, chân trong quá trình lao động. Không như loại rắn hổ mang, hổ chúa tấn công người, rắn lục đuôi đỏ chỉ chạm, đụng vào nó đe dọa nó mới cắn người.

Nếu bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào ban ngày, nhìn rắn có thể nhận biết được (đặc điểm nhận dạng là mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Loài rắn này thường sống trên cây và hoạt động chủ yếu vào ban đêm).

Nếu bị cắn vào ban đêm thì nhận biết (rắn độc cắn nói chung) bằng cách quan sát vết cắn và các triệu chứng sau khi bị cắn. Tại vết cắn có 2 dấu móc độc biểu hiện có 2 dấu răng cách nhau khoảng 1cm. Nếu cắn vào nơi gồ ghề thì cũng có thể thấy có 1 vết. Nếu là rắn lục đuôi đỏ cắn thì tại chỗ vết chỉ vài phút sau khi bị cắn sẽ sưng nề nhanh, đau nhức nhiều kèm theo tại chỗ cắn máu chảy liên tục không tự cầm. Nếu không được điều trị sau khoảng 6 giờ, phần tổn thương sưng nề lan rộng từ vết cắn có thể đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, đau nhức, tím, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ. Có thể có bọng nước, xuất huyết trong bọng nước. Có thể nhiễm khuẩn tại chỗ, hội chứng khoang. Nhiều trường hợp nặng có thể xuất hiện tình trạng sốc do mất máu: tụt huyết áp, da đầu chi lạnh ẩm, lơ mơ, thiểu niệu, vô niệu. Có thể có sốc phản vệ do nọc rắn.

Theo ông Duệ, xử trí ban đầu đúng khi bị cắn là vô cùng quan trọng trong việc giảm nhẹ biến chứng, tránh tử vong.

Trước tiên, bệnh nhân không nên quá hoảng hốt. Ngay sau khi bị rắn cắn, để tránh nọc độc đi vào hệ tuần hoàn chung làm chậm quá trình phát tán nọc độc, cần băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch (không garô động mạch nghĩa là vẫn sờ thấy mạch đập ở phía dưới của chi bị garô). Sau đó có thể hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc (chú ý nếu tại miệng, răng có tổn thương, viêm chân răng không được dùng miệng hút máu). Nên hút máu bằng giác hút dưới vòi nước chảy hoặc trong chậu có nhiều nước sạch, vừa hút vừa rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề. Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chi bị cắn bằng nẹp. Tuyệt đối không chích rạch tại vết cắn vì tăng nguy cơ chảy máu, sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Hoài Anh (ghi)

 

 

 

 


Ý kiến của bạn