Những dấu hiệu nào cho thấy đây là cơn chóng mặt lành tính?
Chóng mặt khá phổ biến trong đời sống thường ngày, có thể xảy ra đối với mọi người, mọi lứa tuổi, ở mọi nơi. Với những biểu hiện và diễn biến, chóng mặt có thể là một triệu chứng, một hội chứng hoặc một bệnh lý.
May mắn thay, cơn chóng mặt chúng ta thường gặp là những cơn chóng mặt lành tính. Cơn chóng mặt gọi là lành tính là khi chúng không do nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm gây ra, đáp ứng tốt với các "mẹo" xử lý thông thường, hoặc các nghiệm pháp đơn giản, hay các thuốc điều trị thông thường, kéo dài trong thời gian ngắn và đôi khi có thể tự ra cơn.
Chóng mặt kịch phát lành tính là cảm giác di chuyển hay quay trong của bản thân hoặc đồ đạc xung quanh mà người bệnh thấy ở trạng thái động hay tĩnh (Ảnh minh họa)
Cơn chóng mặt lành tính phổ biến là cơn chóng mặt tư thế lành tính.
Cơn chóng mặt tư thế lành tính có đặc điểm là cơn chóng mặt kịch phát xảy ra ở những tư thế đặc biệt của đầu, nhất là khi nằm xuống, khi lật qua lật lại trên giường, khi ngóc đầu lên và đứng dậy, khi ngửa đầu ra sau. Mỗi cơn kéo dài chưa đầy một phút, nhưng có thể có nhiều cơn lặp lại trong nhiều ngày, nhiều tháng vì dễ tái phát.
Tuy nhiên, người bệnh không có dấu hiệu bất thường về thính lực, về tổn thương trong tai, hoặc bất thường ở những nơi khác. Một biến thể thường gặp của cơn chóng mặt tư thế lành tính là chóng mặt xuất hiện vài giây khi đột ngột xoay đầu, xảy ra trong thời gian ngắn hoặc thường gặp là cảm giác chóng mặt, cảm giác mất thăng bằng và thường khó phân biệt với cảm giác sợ té, cảm giác hoa mắt. Dạng này hay gặp ở người lớn tuổi, có thể đến rồi đi xảy ra nhiều năm mà không cần điều trị gì cả.
Xử lý nhanh cơn chóng mặt lành tính tại nhà
Hầu hết chóng mặt kịch phát lành tính đều có thể chữa khỏi, nhưng dễ tái phát. Vì thế, cơn chóng mặt lành tính chỉ là "hiền lành" hơn so với các kiểu chóng mặt trung ương, bệnh lý thần kinh ngoại biên... chứ cũng không hoàn toàn "thuần lành tính", bởi những hệ lụy nó mang lại trong công việc, tâm lý và các biến cố không mong muốn xảy ra trong cơn chóng mặt (thường là do té ngã).
Do đó, chúng ta cũng cần "bỏ túi" một số phương pháp xử lý nhanh những cơn chóng mặt lành tính, để phòng thân cho mình cũng như giúp đỡ cho những người xung quanh khi họ gặp phải.
Các phương pháp xử lý nhanh khi cơn chóng mặt lành tính xuất hiện đó là:
- Trấn an người bệnh, khuyên họ không nên thay đổi tư thế đột ngột. Cần bình tĩnh, nhắm mắt, hạn chế xoay đầu và tìm tư thế thích hợp để nghỉ ngơi. Bạn có thể tưởng tượng rằng trong đầu người bệnh đang có 1 ly nước đầy, khi đổi tư thế không được làm “sóng sánh đổ nước ra ngoài" vì sẽ gây chóng mặt. Như thế chúng ta khuyên họ nên thay đổi tư thế từ từ, khi di chuyển cố gắng giữ nguyên tư thế trong một ít phút, rồi mới từ từ thay đổi tư thế, cố gắng giữ đầu nhìn thẳng phía trước, không cúi xuống hay xoay đầu qua lại.
Khi thấy người bệnh xuất hiện cơn chóng mặt, bạn cần khuyên họ bình tĩnh, nhắm mắt, hạn chế xoay đầu và tìm tư thế thích hợp để nghỉ ngơi (Ảnh minh họa)
- Cố gắng nằm nghỉ ngơi trên giường, tránh ánh sáng chói nhưng đảm bảo thoáng khí. Tránh lo lắng, căng thẳng tinh thần, hạn chế suy nghĩ.
- Nếu có cảm giác buồn nôn, nên kìm nén bằng cách hít thở sâu và tập trung vào nhịp thở. Nếu ói nhiều, người bệnh nên nằm nghiêng 1 bên, tất nhiên là ở bên không gây chóng mặt.
- Một số thuốc đơn giản có thể tạm thời cầm cự cơn chóng mặt (nếu người bệnh còn uống thuốc được) mà chúng ta có thể lưu trữ sẵn tại nhà, công sở: Thuốc ức chế hoạt động tiền đình, thuốc chống nôn, thuốc thúc đẩy quá trình thăng bằng. Với những người đang ở nhà, tâm lý lo lắng, thì các nhóm thuốc có tính chất an thần sẽ hiệu quả hơn; trong khi đó, những người đang trong quá trình làm việc thì ưu tiên lựa chọn các nhóm thuốc không gây buồn ngủ.
- Không tự mình đi lại xa, làm việc nặng, leo trèo, điều khiển xe cộ hay máy móc hay trèo thang trong những ngày tới cho dù cơn chóng mặt đã qua đi, vì nó có thể tái phát sớm. Những việc này có thể gây khởi kích cơn chóng mặt nặng nề và kéo dài hơn, thậm chí có thể gây tai nạn cho chính người bệnh cũng như người khác.
Tuy nhiên, những trường hợp chóng mặt nặng, nôn ói nhiều hay có dấu hiệu nguy hiểm (có đề cập đến trong các kỳ trước) thì cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí thích hợp.
Phòng ngừa chóng mặt như thế nào?
- Uống đủ nước mỗi ngày. Bổ sung thêm nước nếu bị khát, cảm giác đầu nhẹ bồng bềnh, vận động nhiều hay trời nóng.
- Chế độ dinh dưỡng cân đối, đa dạng, giàu vitamin và khoáng chất.
- Hạn chế các loại thức ăn đồ uống quá ngọt hay mặn vì sẽ làm tăng thể tích dịch của cơ thể và của tai trong.
- Hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ vì sẽ làm tăng cholesterol máu, gây xơ vữa mạch máu.
- Tránh uống cà phê hay thức uống có cồn (bia, rượu), nước giải khát có gas vì sẽ làm ù tai nặng hơn, gây lợi tiểu làm mất nước.
Hạn chế rượu bia, thuốc lá là một trong những biện pháp phòng ngừa chóng mặt lành tính (Ảnh minh họa)
- Có chế độ làm việc nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo ngủ đủ giấc, đặc biệt là giấc ngủ đêm.
- Giảm tối đa căng thẳng thần kinh liên tục kéo dài, suy nghĩ lạc quan; tránh nóng giận, lo âu, phiền muộn.
- Không hút thuốc lá và tránh xa tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Vận động cơ thể, luyện tập thể thao.
- Kiểm soát huyết áp, thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi năm từ 30 tuổi trở lên.
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột. Đặc biệt với những người có cơn chóng mặt tư thế lành tính thường xuyên xuất hiện, khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, đứng dậy hay xoay đầu, cúi và ngửa đầu cũng phải thực hiện từ tốn, chậm rãi, có thể nhắm mắt lại để hạn chế thị giác thu nhận những tín hiệu thay đổi không gian, giảm kích thích tiền đình. Sau khi xác lập tư thế tại vị trí mới thì từ từ mở mắt ra.