Đây có thể là một vấn đề thực sự, đặc biệt đối với các nhân viên y tế hay những người làm việc nơi công cộng phải đeo khẩu trang trong thời gian dài.
Một lý do gây kích ứng da mặt là khẩu trang ngăn không khí lưu thông bình thường: Khi ta thở, hơi ẩm tích tụ và bị giữ lại trên mặt. Môi trường thiếu ánh sáng, ấm áp đó có thể tạo điều kiện cho các vấn đề về da như mụn trứng cá. Ngoài ra, khẩu trang có thể gây kích ứng da, hoặc gây dị ứng với những làn da nhạy cảm.
Nếu bạn là người bắt buộc phải đeo khẩu trang thường xuyên và bị kích ứng, hãy tham khảo thông tin dưới đây.
Da bị ngứa, khô
Nếu khẩu trang được làm từ cotton, chất liệu này có thể hấp thụ dầu tự nhiên trên da mặt, khiến da bị khô. Ngoài ra, dư lượng hóa chất từ bột giặt và chất làm mềm vải cũng có thể gây kích ứng da khiến da mặt bị ngứa ngáy, thậm chí bong tróc.
Mẹo xử lý: Lựa chọn sử dụng các kem dưỡng và chất rửa mặt nhẹ nhàng, không mài mòn để rửa mặt. Sau khi rửa mặt, vỗ nhẹ khăn (không chà xát da) tránh da bị khô. Thoa kem dưỡng ẩm. Dùng những sản phẩm có chứa ceramides, glycerin, axit hyaluronic giúp da ngậm ẩm tốt.
Phòng ngừa: Sử dụng một sản phẩm dưỡng ẩm tốt là rất quan trọng để ngăn ngừa da khô, ngứa hoặc bong tróc khi đeo khẩu trang. Ngoài ra, cần tránh các chất dưỡng ẩm có chứa thành phần chủ yếu là nước có thể làm tệ hơn làn da khô. Tránh các sản phẩm có cồn. Chúng có thể làm tăng kích ứng da, gây khô và bong tróc. Tránh các sản phẩm có retinoids (các sản phẩm chống lão hóa). Tránh dùng sản phẩm tẩy tế bào chết bằng axit hydroxy, có thể gây kích ứng da khô hơn nữa.
Khẩu trang có thể gây kích ứng ở một số người có làn da nhạy cảm.
Viêm da
Phát ban da do đeo khẩu trang trong thời gian dài có khả năng là viêm da tiếp xúc kích thích, dạng viêm da phổ biến nhất. Các triệu chứng bao gồm: Ban đỏ; Ngứa, rất ngứa; Da khô, nứt nẻ, bong vảy; Tạo mụn có thể chảy nước và đóng vảy; Sưng, nóng, hoặc đau.
Viêm da cũng có thể do phản ứng dị ứng với nguyên liệu sản xuất khẩu trang. Dạng viêm da này được gọi là viêm da tiếp xúc dị ứng. Không giống như viêm da tiếp xúc kích thích, có thể bắt đầu ngay sau khi tiếp xúc với khẩu trang, phản ứng viêm da dị ứng có thể xuất hiện trễ đến 2-4 ngày sau đó.
Cách điều trị viêm da tiếp xúc nhẹ: Dùng thuốc kháng histamin; Sử dụng kem steroid tại chỗ 2 lần mỗi ngày trong 1 tuần, sau đó mỗi ngày 1 lần trong 1-2 tuần nữa. Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ. Tránh tẩy tế bào chết, các chất chứa retinoids và các sản phẩm axit hydroxy.
Cách điều trị viêm da dị ứng: Loại bỏ dị nguyên, trong trường hợp này là sử dụng một loại khẩu trang khác. Nếu dị ứng khẩu trang phẫu thuật, có thể thay bằng khẩu trang vải. Nếu đang đeo khẩu trang vải, hãy thử một loại vải khác - cotton thường ít gây dị ứng hơn polyester. Ngoài ra, chú ý giặt khẩu trang vải bằng chất giặt không gây dị ứng, không mùi thơm. Khi những vết ban trên da bắt đầu hết, từ từ giảm bôi kem hydrocortisone, tiếp tục dùng kem dưỡng ẩm sâu để ngăn ngừa tái phát.
Nếu làn da của bạn không cải thiện trong vòng 2 tuần hoặc nếu viêm da nghiêm trọng, hãy đi khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng.
Mụn
Những người dễ bị mụn trứng cá có thể gia tăng mụn do hậu quả của việc đeo khẩu trang kéo dài liên tục.
Điều trị mụn trứng cá bình thường cần sự kiên trì lâu dài. Đã thế các phương pháp điều trị này nếu trong tình trạng phải đeo khẩu trang có thể dẫn đến kích ứng thậm chí mụn nhiều hơn. Do đó, bạn nên: Sử dụng một loại sữa rửa mặt nhẹ, không gây mụn để rửa mặt 2 lần mỗi ngày. Hạn chế thời gian đeo khẩu trang bất cứ khi nào có thể (ví dụ bằng cách làm việc ở nhà).
Phòng ngừa: Tránh các loại kem dưỡng ẩm có thể làm tắc nghẽn da. Rửa mặt trước khi đi ngủ. Tránh thực phẩm chứa lượng đường cao bởi sẽ gây mụn trứng cá.
Da ửng đỏ
Da ửng đỏ - Rosacea là một tình trạng da liên quan đến giãn mạch, làm cho mũi, má, trán và cằm đỏ ửng. Yếu tố kích hoạt có nhiều, bao gồm cả nhiệt (đeo khẩu trang làm tăng nhiệt độ của da). Rosacea có thể giãn mạch (đặc trưng bởi bừng đỏ, ban đỏ vùng mặt), thể sẩn mụn mủ (tương tự trứng cá)...
Cũng giống như việc điều trị mụn trứng cá, điều trị bệnh Rosacea mất khá nhiều thời gian. Do đó, mục đích của việc điều trị là ngăn ngừa bùng phát. Làm mát da mặt bằng cách tháo khẩu trang bất cứ khi nào không cần thiết. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không có mùi thơm và tránh các thành phần như cồn, long não và natri laurel sulfate. Tránh sử dụng các chất làm se khít lỗ chân lông. Tránh caffeine và rượu, các thực phẩm cay, sô cô la... Tránh các hoạt động gây ra mồ hôi quá mức khi đeo khẩu trang.