Xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội: Chế tài phải đủ mạnh

21-06-2014 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) là câu chuyện không mới. Bằng cách này hay cách khác, doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để lách luật,...

Trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) là câu chuyện không mới. Bằng cách này hay cách khác, doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để lách luật, tận dụng chính nguồn thu của người lao động để trang trải nợ nần cho chính doanh nghiệp. Người lao động thì mất tiền để đóng bảo hiểm nhưng không biết quyền lợi của mình được đảm bảo như thế nào, trong khi đó, nguy cơ nhãn tiền là vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) - đây là vấn đề thời sự mà Quốc hội thảo luận trong kỳ họp lần này.

Ngày 16/6, thảo luận hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng như phiên thảo luận tổ trước đó, tại phiên thảo luận hội trường, các đại biểu vẫn khẳng định việc đồng tình với nguy cơ vỡ Quỹ BHXH. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần phải có lời giải thích hợp lý hơn về cách quản lý, điều hành quỹ, phân tích các nguyên nhân cụ thể và đưa ra giải pháp thích hợp hơn thay vì đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, đồng thời tránh sự điều chỉnh mang tính vá víu, không giải quyết được rốt ráo vấn đề.

Tính đến hết tháng 3/2014, tổng số nợ tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện là trên 11 nghìn tỷ đồng (trong đó, nợ BHXH là trên 7,4 nghìn tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế là trên 3,1 nghìn tỷ đồng và nợ bảo hiểm tự nguyện là 500 tỷ đồng). Việc nợ đọng bảo hiểm lớn sẽ dẫn đến việc Quỹ BHXH mất cân đối thu, chi dẫn đến nguy cơ khả năng vỡ quỹ và khi đó người lao động sẽ không nhận được lương hưu. Theo BHXH Việt Nam, hiện nay, số đơn vị đăng ký thành lập doanh nghiệp là trên 500 nghìn doanh nghiệp nhưng thực tế có khoảng trên 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và chỉ có 150 nghìn doanh nghiệp tham gia BHXH. Như vậy, có đến 50% doanh nghiệp không tham gia BHXH. Còn theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 16 triệu người; trong khi đó, đối tượng đang tham gia BHXH là gần 11 triệu người, chiếm 68,8% số người phải tham gia. Như vậy, còn trên 5 triệu người chưa tham gia BHXH, tương ứng số thu BHXH, BHYT khoảng 56 nghìn tỷ đồng/năm.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TP.HCM) cho biết, trong khi nợ quỹ bảo hiểm rất lớn, tới cả nghìn tỷ đồng nhưng một thời gian dài BHXH Việt Nam lại tùy tiện cho Công ty cho thuê Tài chính 2 vay hơn 1.000 tỷ đồng và từ năm 2009 đến nay, Công ty cho thuê Tài chính 2 đã mất khả năng trả lãi và tính đến năm 2014 mới trả được khoảng 207 tỷ đồng nợ gốc, số còn lại 772,3 tỷ đồng vẫn chưa trả được.

Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) là quỹ an sinh xã hội của Quốc gia, thế nhưng tính đến tháng 3/2104, con số nợ BHXH lên tới 11 nghìn tỷ đồng mà nguyên nhân do doanh nghiệp chây ỳ, trốn đóng và cũng do một phần việc điều hành chưa hợp lý... Điều này cho thấy, mặc dù cơ quan chức năng đã mạnh tay với các doanh nghiệp nhưng các biện pháp vẫn chưa đủ sức răn đe, thậm chí vấn đề giải quyết nhiều khi chỉ là mang tính hình thức. Bên cạnh đó, theo quan điểm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Quỹ BHXH là do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp nên chi phí phải lấy từ khoản tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ. Ủy ban đề nghị BHXH Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách bộ máy, cải cách thủ tục hành chính... nhằm đảm bảo sử dụng chi phí hợp lý.

Đoàn Khoa


Ý kiến của bạn