Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 40 trường hợp bị uốn ván. Ðáng nói, hầu hết các ca nhập viện đều nặng, bị hôn mê và co giật toàn thân...
Cấp cứu vì những vết thương nhỏ
Theo hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chị N.N.L (Bình Lục - Hà Nam) bị tổn thương rách da, bầm tím ở cằm do trượt ngã, chủ quan cho rằng vết thương sau vài ngày sẽ khỏi và liền da nên không đi khâu và tiêm huyết thanh kháng uốn ván mà chỉ băng vết thương lại. Tuy nhiên, sau 7 ngày chị có dấu hiệu co cứng toàn thân, co giật... Người nhà vội đưa chị đến bệnh viện, tại đây các bác sĩ kết luận chị bị uốn ván do nhiễm trùng vết thương.
Không giống như trường hợp chị L., anh T.D.H (Từ Sơn - Bắc Ninh) bị gạch rơi vào ngón chân cái gây bầm tím, xây xước da. Sau 10 ngày sau, anh xuất hiện triệu chứng cứng hàm, khó nuốt, khó há miệng,… Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hôn mê sâu, người căng cứng và giật liên hồi. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị uốn ván.
Điều trị tích cực cho bệnh nhân mắc uốn ván tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Dương |
Vì sao đã tiêm huyết thanh kháng uốn ván vẫn mắc bệnh?
Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân đã tiêm huyết thanh kháng uốn ván nhưng vẫn mắc bệnh vì huyết thanh kháng uốn ván là kháng thể từ bên ngoài đưa vào nên chỉ có tác dụng bảo vệ trong khoảng một tuần, nếu người bệnh chưa tiêm vaccin phòng uốn ván lần nào, sức đề kháng kém khi huyết thanh kháng uốn ván hết tác dụng thì người bệnh vẫn bị mắc. Hơn nữa, nha bào uốn ván tồn tại rất nhiều trong môi trường đất, cát, phân súc vật và sống rất dai dẳng. Khi xâm nhập được vào vết thương, vết bầm dập trên cơ thể người, nha bào sẽ phát triển thành vi khuẩn uốn ván và các vi khuẩn này sẽ tiết ra độc tố gây bệnh uốn ván. Vi khuẩn uốn ván sinh sôi nảy nở và tiết ra độc tố bên trong vết thương mà không gây sưng nề ngay cả khi vết thương khô miệng. Chính điều này nhiều trường hợp chủ quan, chỉ sát trùng vết thương mà không đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Bệnh khởi phát sau chấn thương
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Nha bào uốn ván có khắp nơi trong đất cát, bụi, phân trâu, bò, ngựa và gia cầm, cống rãnh… Bệnh thường xảy ra sau một tổn thương cấp tính như vết chích da, vết rách da, vết trầy da, bỏng, phẫu thuật, sinh đẻ... Khi mắc bệnh uốn ván gây nhiễm độc hệ thần kinh vận động làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và co giật liên tục.
Bệnh khởi phát sau chấn thương, thường là 7-10 ngày. Dấu hiệu điển hình là tăng trương lực cơ và co cứng toàn thân. Lúc đầu tăng trương lực cơ ở các cơ nhai, nuốt khó và cứng hay đau các cơ cổ, vai, lưng. Kế tiếp các cơ khác cũng bị tăng trương lực gây ra cứng bụng và cứng các cơ ở gốc chi; do co cứng liên tục các cơ mặt, tạo ra một vẻ mặt nhăn nhó, co cứng cơ lưng tạo ra một tư thế lưng cong ưỡn lưng. Nếu xuất hiện các cơn co cứng toàn thân kịch phát, với cường độ mạnh, những cơn đau làm cho bệnh nhân xanh tím và đe dọa ngừng thở. Các cơn này có thể lặp đi lặp lại, có thể là tự phát hoặc do kích thích dù là rất nhẹ. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân chỉ bị tình trạng cứng cơ và có một vài cơn co cứng. Thể vừa có dấu hiệu cứng hàm, khó nuốt, cứng cơ và các cơn co cứng. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị nhiều cơn kịch phát. Nuốt khó hoặc chướng bụng làm cho bệnh nhân ăn uống khó khăn. Bệnh có thể gây tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.
Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh uốn ván nhất là trẻ sơ sinh (hay bị uốn ván rốn), đặc biệt là những trẻ sinh tại nhà, không được chăm sóc y tế, những người chưa tiêm vaccin phòng bệnh uốn ván. Ngoài ra, những người làm vườn, làm việc ở các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dọn vệ sinh cống rãnh, công nhân xây dựng... đều có nguy cơ mắc cao.
Trường hợp co cứng cơ mặt do bệnh uốn ván. Ảnh: TL |
Cần xử lý tốt vết thương
Do vi khuẩn uốn ván chỉ gây bệnh khi vết thương bị dập nát, vết thương do dụng cụ lao động và những vật gỉ, bẩn gây ra, vết thương nhiễm trùng, vết thương hở, vết thương bị băng kín lâu gây thiếu ôxy... Bởi vậy, việc cần làm khi bị tổn thương là xử lý ngay vết thương bằng cách giải phóng hết dị vật trong vết thương (như bùn, đất, cát, mảnh sành, đinh, gai...), rửa vết thương bằng xà phòng nhiều lần, sát khuẩn bằng dung dịch như cồn 70 độ, ôxy già hoặc dung dịch bêtadin..., sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tiêm kháng huyết thanh chống vi khuẩn uốn ván và điều trị theo phác đồ. Lưu ý, không nên băng kín vết thương lâu ngày, thường xuyên vệ sinh và sát khuẩn vết thương.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Để phòng bệnh uốn ván, tốt nhất nên tiêm đầy đủ các mũi vaccin phòng bệnh. Hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có vaccin 5 trong 1 (phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm não Hib) cho trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm 3 mũi, mũi đầu tiên từ tháng thứ 2, mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Sau đó, từ 5 - 10 năm tiêm nhắc lại một liều; Trong lao động phải hết sức tránh không để bị tổn thương nhất là các loại tổn thương sâu, kín, bẩn như giẫm phải đinh, gai, chấn thương phần mềm ở nơi bùn lầy của chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh,...; Vệ sinh môi trường sạch sẽ như nạo vét các chất thải, chất bùn, khơi thông cống rãnh để tránh ứ đọng không cho vi khuẩn và nha bào uốn ván phát triển...
Bác sĩ Hạnh Chung