Xử lý thế nào vụ bố nghi tâm thần sát hại 2 con nhỏ ở Điện Biên?

29-12-2022 18:31 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhiều tình huống pháp lý đặt ra liên quan đến vụ việc bố nghi tâm thần sát hại 2 con nhỏ trong đêm ở Điện Biên.

Nghi án cha ruột nhẫn tâm sát hại 2 con nhỏ ở Điện BiênNghi án cha ruột nhẫn tâm sát hại 2 con nhỏ ở Điện Biên

SKĐS - Xuất phát từ mâu thuẫn bên ngoài, người đàn ông sinh năm 1995 đã nhẫn tâm sát hại 2 con ruột của mình.

Như Báo Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin, khoảng 23 giờ ngày 27/12, Lường Văn Châu (sinh năm 1995, tại bản Kéo, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đã dùng dao sát hại 2 con ruột của mình (một cháu sinh năm 2019, một cháu sinh năm 2021).

Nguyên nhân ban đầu của vụ việc được xác định do có một số đơn kiện nói đối tượng mâu thuẫn bên ngoài dẫn đến uất ức.

Một số người thân trong gia đình cho biết, thời gian gần đây Châu có biểu hiện của bệnh tâm thần.

Thời điểm xảy ra án mạng, 2 vợ chồng cũng không xảy ra mâu thuẫn gì. Gia đình đối tượng thuộc diện hộ nghèo của xã, Châu không có công ăn việc làm ổn định, làm nương và thỉnh thoảng đi làm thuê.

Xử lý thế nào vụ bố nghi tâm thần sát hại 2 con nhỏ? - Ảnh 2.

Hiện trường vụ việc người cha đâm chết 2 con ruột ở Điện Biên. Ảnh: CACC

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đoàn (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc - Luật sư X) cho biết, đây là sự việc hết sức đau lòng, nạn nhân là hai cháu bé còn rất nhỏ, trong khi đó nghi phạm chính là cha ruột.

Dù sự việc bắt nguồn từ nguyên nhân, động cơ nào đi chăng nữa, hành vi của người cha cũng rất đáng bị lên án vì đã ra tay tàn ác và phạm tội tới cùng mặc dù được người thân trong gia đình can ngăn.

Theo luật sư Đoàn, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của nghi phạm và những người làm chứng, thu thập các dấu vết để lại trên hiện trường vụ án để xác định nguyên nhân sự việc.

Đặc biệt trong quá trình làm việc, cơ quan điều tra sẽ làm rõ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người đàn ông này để xác định người này có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hay không.

Để tiến hành các hoạt động điều tra, làm sáng tỏ vụ án thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 để tiến hành điều tra, thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra vụ án nếu có căn cứ cho thấy nghi phạm có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần thì sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần theo quy định pháp luật.

Xử lý thế nào vụ bố nghi tâm thần sát hại 2 con nhỏ? - Ảnh 3.

Đối tượng Lường Văn Châu tại cơ quan điều tra. Ảnh: Tú Anh

Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy người đàn ông này đã mất khả năng nhận thức tại thời điểm thực hiện hành vi sát hại hai cháu bé thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ giải quyết vụ án và áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh đối với người đàn ông này, hành vi của người đàn ông này sẽ được xác định là không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nên không phạm tội.

Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy người đàn ông này chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi nhưng do bực tức, mâu thuẫn với những thành viên trong gia đình nên đã có hành vi sát hại các cháu bé thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người" với tình tiết định khung giết từ 2 người trở lên, hành vi có tính chất côn đồ.

Vì nếu bị xác định có tội, người cha có thể đối mặt khung hình phạt cao nhất của tội Giết người là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Luật sư Nguyễn Đoàn cũng chia sẻ, đã có nhiều hệ lụy và câu chuyện đau lòng khi người mắc bệnh tâm thần thực hiện các hành vi phạm tội ngoài xã hội. Do vậy để thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị, giúp đỡ người tâm thần, góp phần phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật do người tâm thần gây ra cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng và toàn xã hội. Cần tham gia hỗ trợ gia đình và người tâm thần trong công tác quản lý, điều trị, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng và vẫn có nguy cơ gây án khi mất khả năng kiếm soát hành vi, bởi công tác quản lý người bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về người tâm thần phạm tội khi sống trong cộng đồng dân cư hiện nay.

Đau lòng những án mạng do người tâm thần gây raĐau lòng những án mạng do người tâm thần gây ra

SKĐS - Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ án do người tâm thần gây ra. Tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều hành vi man rợ, nguy hiểm. Nạn nhân chủ yếu là người thân trong gia đình, thậm chí đó là đấng sinh thành hoặc con cái ruột của chính nghi can.



Thảo Phượng
Ý kiến của bạn