Xử lý thế nào?

22-01-2015 18:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đưa ra cảnh báo, việc một số tổ chức, đối tượng tung các tin xuyên tạc...

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đưa ra cảnh báo, việc một số tổ chức, đối tượng tung các tin xuyên tạc, bịa đặt trên các trang mạng xã hội gần đây là một dạng chiến tranh thông tin đặc biệt nguy hiểm gây tổn hại không nhỏ tới a tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Mục tiêu chính của thủ đoạn này là gieo rắc sự hoang mang, hoài nghi trong dư luận, đe dọa sự ổn định và phát triển đất nước. Điều này đang đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải có biện pháp xử lý hữu hiệu để những thông tin này không làm nhiễu loạn xã hội?

Có thể nhận thấy, hiện nay, những thông tin trên mạng có tính giật gân, câu khách lan truyền rất nhanh. Thậm chí có những thông tin nhằm nói xấu lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Để ngăn chặn những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, thậm chí bôi nhọ các lãnh đạo cấp cao trên mạng internet, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cần đẩy mạnh việc chủ động cung cấp những thông tin chính thống. Đặc biệt, hệ thống báo chí chính thống cần chủ động thông tin minh bạch để phát huy tốt chức năng thông tin, phản biện và là diễn đàn của nhân dân.

Cuộc chiến tranh thông tin trên mạng internet có những đặc thù rất khác biệt với những cuộc chiến tranh thông thường. Để chặn đứng những thông tin bịa đặt trên mạng, cần sự thể hiện trách nhiệm hơn nữa của những đơn vị cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, về mặt kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế đến mức tối đa những trang web, blog độc hại, xuyên tạc thông tin. Nhìn từ khía cạnh luật pháp, theo các chuyên gia về luật, cần nhanh chóng có những quy định cụ thể hơn nữa trong chế tài xử lý các đối tượng tung tin, bịa đặt, bôi nhọ người khác trên mạng internet. Bởi trên thực tế, Nghị định 174 quy định xử phạt hành vi phát tán thông tin bịa đặt, xuyên tạc, gây thiệt hại đến uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân nhưng chưa đến mức truy cứu hình sự thì phạt từ 20 - 30 triệu đồng. Tuy nhiên, mức nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự lại không được quy định rõ. Vì vậy, chế tài áp dụng chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính nên nhiều đối tượng xấu sẵn sàng nộp phạt để tung tin bịa đặt với mục tiêu bất chính. Chính vì thế, cần phải kiên quyết hơn với danh mục các trường hợp nào thì xử lý hành chính, các trường hợp nào thì phải kiên quyết đưa vào truy tố và xử lý hình sự...

Hiến pháp nước ta bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận phải được thực hiện theo khuôn khổ của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, làm thế nào để vừa đảm bảo được quyền tự do ngôn luận, vừa lành mạnh hóa được môi trường thông tin trên mạng internet phải được xem là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ của các cơ quan chức năng thì bản thân mỗi người dân cũng cần có trách nhiệm nâng cao nhận thức để có khả năng miễn nhiễm với những thông tin bịa đặt, sai trái, góp phần làm cho môi trường thông tin được thanh lọc, tránh việc thông tin sai lệch gây hoang mang, đe dọa sự ổn định và phát triển đất nước.

Mạnh Hà

 


Ý kiến của bạn