Từ tháng 9/2008, khi nhà chức trách Trung Quốc phát hiện hàng loạt trẻ nhỏ nước này mắc bệnh sỏi đường tiết niệu và đã có các trường hợp tử vong - điều tra ngược lại các yếu tố gây bệnh, người ta đã kết luận nguyên nhân gây bệnh là do trẻ sử dụng sữa có nhiễm melamin do các cơ sở sản xuất sữa nguyên liệu của nước này đã cố ý cho melamin vào nguyên liệu sữa để làm tăng độ đạm một cách giả tạo nhằm trục lợi - điều nguy hiểm là melamin được phát hiện thường kèm theo axit cyanuric, khi 2 chất này kết hợp với nhau sẽ tạo thành các tinh thể nhỏ, đây chính là thủ phạm gây ra bệnh sỏi thận.
Sau khi phát hiện ra hành vi gian dối gây hậu quả nghiêm trọng này, nhà chức trách Trung Quốc lập tức yêu cầu các đơn vị sản xuất - kinh doanh sữa có nhiễm melamin tiến hành thu hồi và tiêu huỷ sản phẩm độc hại. Các nước khác như Mỹ, Canada, Úc, Newzeland, Hàn Quốc... cũng đồng loạt thu hồi và cấm nhập khẩu sữa, các sản phẩm sữa của Trung Quốc có nhiễm độc tố.
Vì sức khỏe người tiêu dùng, chúng ta hãy đặt chất lượng vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. Ảnh: VNN |
Vừa qua, Chính phủ đã có ý kiến đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo liên ngành cho tiêu hủy số sữa nhiễm melamin và không rõ nguồn gốc. Đây là một quyết định hết sức đúng đắn và nhận được sự đồng thuận cao của WHO, FAO cũng như tuyên bố của hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN. Cần nhấn mạnh thêm là 2 tổ chức hết sức quan trọng về thực phẩm và phụ gia thực phẩm quốc tế là JECFA (ban chuyên gia hỗn hợp của FAO-WHO về phụ gia thực phẩm) CODEX (Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế) chưa bao giờ đưa ra quy định về ngưỡng melamin trong thực phẩm.
Công tác xét nghiệm melamin ở Việt Nam triển khai khá nhanh chóng và được quản lý chặt chẽ. Việc WHO giúp Việt Nam về đào tạo cán bộ kiểm nghiệm đã góp phần không nhỏ trong thành công về mặt kỹ thuật vốn còn mới mẻ với chúng ta. Việt Nam đã xét nghiệm được melamin với ngưỡng phát hiện 50 ppb (năm mươi phần tỷ) là mức rất nhỏ được phát hiện.
Gần đây, một số nước như Mỹ, Úc, Newzeland, Trung Quốc ban hành ngưỡng cho phép trong sản phẩm sữa, nhưng đây là các nước xuất khẩu sữa hoặc là nơi khởi phát của sữa nhiễm melamin. Bộ Y tế Việt Nam sau khi đã trao đổi kỹ với các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế đã quyết định chưa ban hành ngưỡng melamin trong giai đoạn này. đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt để ngăn ngừa các sản phẩm sữa nhiễm melamin tái xâm nhập vào nước ta ngay trong thời gian tới.
Chúng ta đều biết chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề rất rộng lớn, bao trùm nhiều mặt của đời sống xã hội. Bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với mục tiêu hàng đầu là vì sức khỏe người tiêu dùng và ổn định phát triển sản xuất kinh doanh, trong khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, nếu chúng ta không có thái độ kiên quyết, dứt khoát thì khó tránh khỏi việc chúng ta sẽ là thị trường tiêu thụ cho các loại hàng hoá kém chất lượng nói chung, thực phẩm nói riêng. đây là một chủ trương đúng đắn và có lợi cho dân cần đưa ngay vào thực tế!.
Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu của Trưởng đại diện FAO và WHO tại Việt Nam, tiến sỹ Andrew Speedy và tiến sỹ Jean-Marc Olivé đã khẳng định “hiện nay chưa có hướng dẫn quốc tế đối với melamin... cho tới khi có hướng dẫn quốc tế quy định hàm lượng melamin, thì quyết định loại bỏ tất cả những sản phẩm ô nhiễm lưu thông trên thị trường là một quyết định hoàn toàn đúng đắn – ngay cả khi thực phẩm đó bị ô nhiễm với hàm lượng melamin rất thấp. Cho tới nay, Bộ Y tế đã thực hiện những hành động kiểm tra, kiểm nghiệm và thu hồi sản phẩm sữa rất kịp thời, phù hợp”.