Hà Nội

Xử lý sớm ổ dịch cúm A/H5N6 ở Hà Nam

04-05-2015 07:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhận được thông tin cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện tại Hà Nam, ngay trong những ngày nghỉ lễ kéo dài từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2015, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã ngay lập tức có công văn yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ,

Nhận được thông tin cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện tại Hà Nam, ngay trong những ngày nghỉ lễ kéo dài từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2015, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã ngay lập tức có công văn yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và điều tra các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm ở người. Bộ Y tế cũng cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ nhiều chủng virut cúm mới có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Hiện nay, tại nhiều địa phương ở nước ta đang là thời điểm tái đàn gia cầm mạnh nên nguy cơ lây lan virut cúm gia cầm sang người và bùng phát thành dịch là rất lớn...

Về ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 được ghi nhận ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, kết quả giải trình tự gen của các mẫu virut cúm A/H5N6 cho thấy chúng tương đồng trên 99% so với chủng virut cúm A/H5N6 gây tử vong ở người tại Tứ Xuyên - Trung Quốc.

Kiểm soát việc mua bán gia cầm. Ảnh: TM

Trước đó, tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cũng ghi nhận một ổ dịch cúm A/H5N6 ở gia cầm tại gia đình ông Trần Kim Chung (xóm Dinh, Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Theo đó, gia đình ông Chung có đàn gà 2 tháng tuổi chết không rõ nguyên nhân. Tổng đàn gà của gia đình ông Chung là 151 con (trong đó 15 con ốm và có 11 con chết). Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An đã trực tiếp cử đội đáp ứng chống dịch đến tổ chức điều tra ổ dịch và hỗ trợ đơn vị y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, toàn bộ thành viên trong hộ gia đình có ổ dịch cúm trên gia cầm và tất cả những người có tiếp xúc gần với ổ dịch cúm gia cầm đã được theo dõi sức khỏe. Qua giám sát phát hiện có hai người là vợ, chồng chủ hộ chăn nuôi gia cầm có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi trong cùng thời gian ghi nhận gia cầm ốm, chết tại gia đình, cả hai vợ chồng đã được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để khám, chẩn đoán xác định, cách ly và điều trị. Kết quả cả hai trường hợp này đều âm tính với chủng virut cúm A/H5N6 và một số chủng virut cúm nguy hiểm khác, sức khỏe ổn định, không có biểu hiện nặng và được chuyển về tiếp tục theo dõi sức khỏe tại gia đình.

Theo Cục Thú y, các triệu chứng lâm sàng của cúm A/H5N6 tương đối giống cúm gia cầm khác như H5N1, chỉ qua xét nghiệm mới có kết luận chính xác chủng virut gây bệnh. Hiện vắc-xin ngừa cúm gia cầm có tác dụng bảo hộ tốt với virut cúm A/H5N6 và nước ta có thể chủ động nguồn vắc-xin để phòng chống dịch. Tuy nhiên, ông Đàm Xuân Thành khuyến cáo các địa phương không nên chủ quan bởi virut cúm có thể lây lan qua chim hoang dã nên rất khó kiểm soát. Virut cúm A/H5N6 từng được phát hiện ở vịt trời và chim hoang dã tại Thụy Điển, Đức, Mỹ, Đài Loan. Trường hợp tử vong tại Trung Quốc được ghi nhận là ca bệnh duy nhất mắc cúm A/H5N6 ở người cho đến nay.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, ngoài chủng cúm gia cầm A/H5N6, Việt Nam là một trong những nước đang lưu hành các chủng virut cúm mạnh như cúm A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9, A/H9N2, A/H5N3, A/H5N8... Kết quả giám sát trên người của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong những tháng đầu năm nay, virut cúm A/H3N2 là chủng lưu hành chủ yếu (chiếm 77,8%), tiếp đó là virut cúm A/H1N1 và cúm B. Hằng năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 1,5 - 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, chủ yếu do các chủng virut cúm mùa A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Cảnh báo nguy cơ các chủng cúm còn biến đổi

Virut cúm luôn song hành với con người cùng sự tồn tại của gia cầm và các loài chim hoang dã. Các nhà khoa học giải thích sự gia tăng gần đây của virut gây bệnh mới nổi như một dấu hiệu cho thấy virut cúm đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng mới. Mặc dù chúng ta chưa phát hiện chủng virut cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virut cúm lưu hành trên người tại Việt Nam, tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo các chủng virut cúm sẽ còn tiếp tục lây lan, biến đổi và tái tổ hợp thành các chủng mới. Đồng thời, nguy cơ bùng phát dịch cúm và lây lan sang người là rất cao. Việc người dân di chuyển liên tục trong dịp lễ, nghỉ hè, cùng tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ là cơ hội thuận lợi để cúm gia cầm lây lan, bùng phát. Dù chưa ghi nhận ca bệnh gia cầm trên người nhưng không thể chủ quan bởi cho đến nay, đường lây lan và mức độ nguy hiểm của cúm A/H5N6 vẫn tương đương với H5N1, trong khi chúng ta chưa miễn dịch với virut cúm. Tổ chức Y tế Thế giới từng cảnh báo virut cúm A/H5N6 là chủng có độc lực cao nên cần giám sát chặt.

Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch... Các trung tâm giám sát cúm trọng điểm quốc gia phải liên tục theo dõi để cảnh báo kịp thời khi bệnh cúm có diễn biến bất thường; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm ở người; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe các trường hợp phơi nhiễm và nghi ngờ nhiễm bệnh; điều trị bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế và thông báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch. Tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao...

Nguyễn Hoàng

 


Ý kiến của bạn