Xử lý rác thải, nước thải ở Hà Nội: Trách nhiệm của ai?

20-04-2019 21:03 | Thời sự

SKĐS - Vấn đề xử lý rác thải, nước thải tại Hà Nội sao cho khoa học, hợp lý, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường hiện tại và lâu dài chưa bao giờ là bài toán đơn giản.

Dẫu một số cơ quan chức năng đã có cố gắng, song tầm nhìn còn hạn chế, ý thức của người dân và cả bộ máy quy hoạch, vận hành các nhà máy nước thải, rác thải chưa khoa học, dẫn đến bao nỗi lo toan về môi trường chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết.

Tiền tỷ phơi mưa nắng

Có mặt tại trạm xử lý nước thải xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), chúng tôi chứng kiến công trình đang xuống cấp, gỉ sét, cỏ hoang mọc um tùm... Trong khi đó, các hộ dân, doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Tân Triều vẫn ngày đêm hoạt động, trong đó có nhiều cơ sở tái chế rác, nhựa, xả thải trực tiếp nước thải ra môi trường. Điều đó đã dẫn đến kênh nước N1, cạnh trạm xử lý nước thải (XLNT) luôn bốc mùi ô nhiễm, đen đặc. Một số con kênh dọc xã Tân Triều, hướng đường Nguyễn Xiển cũng tràn lan rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, gây mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường. Đây là một nghịch lý đã diễn ra giữa thành phố đông đúc suốt cả chục năm trời. Bà Nguyễn Thị Tư, người dân trong khu vực cho biết: “Chúng tôi chứng kiến trạm này được xây dựng nhiều năm, vậy mà không vận hành, quá lãng phí. Trong khi kênh mương nổi thì ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân và môi trường đô thị”.

Đoàn giám sát Ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội kiểm tra Trạm xử lý nước thải CCN thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội.

Đoàn giám sát Ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội kiểm tra Trạm xử lý nước thải CCN thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội.

Hỏi nguồn gốc, được biết trạm nước này được xây dựng vào năm 2007, phục vụ cho CCN làng nghề Tân Triều được thành lập cuối năm 2009. Nhưng do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, nên từ khi xây dựng đến nay, nhà máy XLNT chưa một lần hoạt động. Mãi cho đến năm 2017, đơn vị quản lý trạm xử lý là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển xây dựng mới bàn giao cho Công ty Vạn Thuận. Tuy nhiên, khi Công ty Vạn Thuận đã rà soát, kiểm tra và đánh giá thực trạng của trạm là cũ nát và xuống cấp trầm trọng, không còn khả năng đáp ứng về công suất trạm cũng như khả năng xử lý nước thải của cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều. Vì sao suốt ngần ấy năm, nước sinh hoạt và sản xuất của làng nghề vẫn xả thải ra môi trường mà không có đơn vị chịu trách nhiệm hay tìm hướng giải quyết? Ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều bảo rằng do các doanh nghiệp (DN) quản lý, vận hành, chính quyền địa phương mong sao công trình sớm đi vào hoạt động để tránh lãng phí thêm.

Đầu năm 2019, làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị này cho biết UBND thành phố đang xem xét tìm nhà đầu tư, cải tạo.

Xuôi xuống huyện Thường Tín, nơi thuộc diện nhiều làng nghề nhất cả nước, nhưng trạm XLNT làng nghề Duyên Thái, chuyên sản xuất hàng sơn mài cũng chịu “chung số phận”. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín không nắm được thực trạng này, mà “chỉ” phóng viên xuống gặp cán bộ xã!?

Theo tìm hiểu, năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư xây dựng trạm nhằm xử lý nước thải cho cụm làng nghề Duyên Thái (xã Duyên Thái), nhưng hiện không thể vận hành do không có kinh phí duy trì hoạt động.  Ngày 7/9/2017, Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với huyện Thường Tín về việc thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động thu gom và xử lý nước thải tại CCN Duyên Thái. Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện, đã đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc vận hành xử lý nước thải tại Trạm XLNT Duyên Thái. Nhưng đến nay vẫn chưa có phương án để đưa công trình đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Huy Toản, một hộ dân sản xuất trong khu vực thốt lên: “Mong thành phố và các cơ quan sớm có phương án khắc phục. Chứ cứ để những công trình tiền tỷ phơi mưa nắng thế này rất lãng phí. Trong khi đó việc khắc phục ô nhiêm môi trường làng nghề, và lâu dài hơn là nguồn nước ngầm vô cùng cần kíp!”.

Chậm tiến độ, hoạt động thiếu hiệu quả

Có một Dự án kỳ vọng sẽ “hồi sinh” các con sông như Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, góp phần tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững Thủ đô, đó là Nhà máy XLNT Yên Xá (nằm trên địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì). Song dù được khởi công từ 7/10/2016 nhưng đến nay vẫn chưa chọn được nhà thầu đủ năng lực. Ở thời điểm hiện tại, Dự án gần như “án binh bất động”, được quây tôn kín. Được biết, với nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản, dự án Nhà máy XLNT Yên Xá có công suất xử lý 270.000m3nước/ngày đêm, mức đầu tư hơn 16 nghìn tỷ đồng. Trong lễ khởi công, tiến độ và tầm quan trọng của Dự án được nhấn mạnh trong những tiếng vỗ tay ầm ầm. Người dân cũng kỳ vọng Dự án hoàn thành vào tháng 10/2019, trước hai năm so với thiết kế ban đầu là hoàn thành vào năm 2021. Thế rồi, Dự án ì ạch đến mức không thể hiểu  nổi! Ông Đặng Đình Anh, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Liệt, tỏ ra lo lắng: “Với những gì đang diễn ra, dự án hoàn thành đúng kế hoạch còn... là may!”

Do xử lý xả thải kém nên sông Tô Lịch ô nhiễm nặng.

Do xử lý xả thải kém nên sông Tô Lịch ô nhiễm nặng.

Chưa rõ trách nhiệm

Trong quá trình tìm hiểu thông tin, chúng tôi thật khó tìm ra trách nhiệm của các đơn vị trong XLNT, XLRT cũng như hoạt động đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy. Liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đơn vị này giao cho Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội. Liên hệ làm việc rất nhiều lần, chuyên viên của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội không cung cấp thông tin mà bảo liên hệ với Sở Xây dựng. Sau nhiều lần yêu cầu làm việc, Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) chỉ trả lời vỏn vẹn mấy dòng rồi yêu cầu phóng viên gặp Sở Công thương Hà Nội. Phải đến lần thứ hai yêu cầu, Phòng Hạ tầng kỹ thuật mới trả lời sơ qua về trách nhiệm của mình, đồng thời gợi ý tôi liên hệ với Sở Công thương Hà Nội và Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội.

Trong khi đó, trong Kế hoạch Số 189/KH-UBND, ban hành ngày 30/12/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị giai đoạn đến năm 2020, có giao nhiệm vụ rất rõ cho Sở Xây dựng Hà Nội: “Lập kế hoạch và phân kỳ đầu tư theo thứ tự ưu tiên cho công trình xử lý nước thải đô thị để có cơ sở công bố, kêu gọi mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư hoặc bố trí kinh phí để triển khai thực hiện; Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án thoát nước, XLNT trọng điểm, cấp bách trên địa bàn bảo đảm kế hoạch, chất lượng và tiến độ, bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước Nhà máy XLNT Yên Xá; Triển khai Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước Nhà máy XLNT Phú Đô theo hình thức BOT; Xúc tiến Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước Nhà máy XLNT Tây sông Nhuệ giai đoạn I...”

Một điểm nữa, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI đã đề ra chỉ tiêu, đến năm 2020, 100% nước thải tại CCN đều phải được xử lý. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, từ tháng 9/2016, UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mang tính căn cơ và có tính đột phá như: Chuyển giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực này từ Sở Công Thương Hà Nội sang Sở Xây dựng Hà Nội. Vậy vì lý do gì Sở Xây dựng Hà Nội chậm trễ trong cung cấp thông tin?

Kế hoạch đã có, đề án cũng được xây dựng, nhiệm vụ cũng đã giao cho các đơn vị. Vậy điều gì đã khiến việc đầu tư, xây dựng, vận hành hệ thống XLNT chưa được hiệu quả như mong muốn? Làm việc với ông Vũ Ngọc Anh - Phó trưởng Ban Đô thị (Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội), cho hay:

Về khách quan, do lịch sử, nhiều CCN trước đây hình thành từ các điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề, trước khi có Luật Bảo vệ môi trường, nên có quy mô nhỏ, không bố trí quỹ đất xây dựng hệ thống XLNT; Công tác đền bù, bồi thường GPMB ở một số điểm gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực ngân sách thành phố, quận, huyện bố trí để đầu tư xây dựng hạn chế.

Về nguyên nhân chủ quan, công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các Sở Công thương Hà Nội, Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Xây dựng Hà Nội thiếu sát sao, chưa quyết liệt. Sự phối hợp giữa các sở này cũng chưa kịp thời, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền một số quận, huyện, xã, phường chưa quan tâm đúng mức, đây là nguyên nhân chủ yếu. Công tác thống kê, điều tra, khảo sát, tính toán lưu lượng xả thải chưa chính xác dẫn đến nhiều trạm có công xuất thiết kế vượt quá lưu lượng nước xả thải thực tế, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Việc lập thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chưa tốt.

Đó là chưa kể đến một số chủ đầu tư chưa chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về quan trắc môi trường tự động. Công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra của sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện vi phạm và đề xuất biện pháp xử lý.

Làm việc với các cơ quan chức năng, được biết một số nhà máy XLNT tại các cụm công nghiệp hoạt động không hiệu quả có nguyên do từ việc các DN chưa phối hợp với các chủ đầu tư của CCN trong đấu nối thoát nước để thu gom nước thải về trạm xử lý. Một DN phát sinh lượng nước thải lớn đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng, được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho phép xả thải, nên không cần xử lý qua trạm. Cùng với đó, một số đơn vị khi đầu tư nhà máy XLNT chưa tính toán kỹ nhu cầu xả thải dẫn tới công suất vận hành thấp hơn nhiều so với công suất.


Diên Khánh
Ý kiến của bạn