Buộc kín vào các túi nilon riêng, phun khử khuẩn
Nói về vấn đề này, bà Vũ Thị Nguyệt – Tổ trưởng tổ dân phố 51, phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), đồng thời là thành viên tổ hỗ trợ chăm sóc người điều trị F0 tại nhà, cho biết: Tổ 51 gồm 4 tòa nhà chung cư thuộc khu Nam Trung Yên.
Mỗi đơn nguyên hơn 100 hộ dân. Việc thu gom và xử lý rác thải của các F0 điều trị tại nhà được giao cho đơn vị quản lý vận hành môi trường thực hiện.
"Mỗi tòa nhà sẽ do 2 - 3 nhân viên tổ COVID cộng đồng quản lý, khi có ca mắc mới, chúng tôi sẽ báo với Ban quản lý tòa nhà và họ liên lạc với bên đơn vị vận hành để tiến hành vệ sinh, phun khử khuẩn cả khu vực tầng đó.
Riêng đối với thang máy là nơi nhiều người ra vào nên có nguy cơ cao, việc vệ sinh, phun khử khuẩn được thực hiện thường xuyên, ngày 2 lần" - bà Nguyệt thông tin.
Thu gom rác thải y tế, thông qua mạng xã hội, chúng tôi đã thông báo, cập nhật lên nhóm F0 các văn bản chỉ đạo của quận, tài liệu "Hướng dẫn dành cho các F0 điều trị tại nhà" theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong đó có hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ về xử lý rác thải của các F0.
Theo quy định chung, rác thải của F0 được đựng riêng trong túi nilon có màu vàng, trước khi mang ra khỏi phòng phải buộc kín và sát khuẩn bằng cồn 70 độ hay dung dịch cloramine B.
Quy định tại đây, hàng ngày, khoảng 9h sáng, các túi rác màu vàng này sẽ được các gia đình có F0 đặt trước cửa căn hộ và bên đơn vị vận hành sẽ đi từng tầng thu gom rồi vận chuyển xuống tầng 1, để một nơi riêng biệt trước cửa hầm họng rác thải sinh hoạt. Khoảng 10h sáng bên công ty vệ sinh môi trường đô thị quận sẽ vẫn chuyển đi…
Tại tổ 17, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, rác của những gia đình có người mắc COVID được đựng riêng vào túi nilon màu vàng, buộc kín, sát khuẩn và để trước cửa nhà. Công ty vệ sinh sẽ đến từng hộ có F0 thu gom và vận chuyển đi nơi khác xử lý theo quy định.
Cần chung tay mỗi người dân
Số người mắc COVID theo dõi, điều trị tại nhà nhiều, việc quản lý, thu gom rác thải cần được quản lý nghiêm túc theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Qua thực tế, nhiều người mắc COVID-19 nhưng giấu bệnh, không khai báo dẫn tới việc quản lý, cách ly người mắc chưa được chặt chẽ, trong đó có cả việc xử lý chất thải.
Thêm vào đó, nhiều hộ gia đình có F0, chưa thực hiện nghiêm túc hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải, hay đổ rác không đúng giờ quy định…
Chia sẻ về những bất cập nói trên, ông Lê Trọng Thuỷ - Tổ trưởng tổ 17, phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội thừa nhận: Tại địa bàn chưa có hoạt động giám sát, xử lý hành vi vứt rác thải sai quy định mà các ban ngành đoàn thể hay tổ dân phố chỉ tập trung công tác tuyên truyền người dân tuân thủ nghiêm túc các qui định về thu gom, xử lý rác thải. Bởi vậy, việc thực hiện tốt đến đâu còn trông chờ vào vào ý thức người dân.
Việc thu gom rác thải của người mắc COVID-19 tại khu chung cư được thực hiện thuận lợi hơn, do các hộ ở tập trung, có ban quản lý tòa nhà, điểm tập kết rác cố định, có thể thu gom theo giờ cố định…
Còn tại khu dân cư, nhiều điểm rải rác, tập kết rác không tập trung, nhiều ngõ ngách nên việc thu gom sẽ khó khăn, vất vả hơn…
Hiện nay, việc quản lý thu gom rác thải ở các khu dân cư, nơi có người đang cách ly, điều trị COVID tại nhà vẫn trông chờ vào ý thức của người dân cũng như trách nhiệm của đơn vị thu gom rác.
Rất cần sự giám sát của chính quyền cơ sở, Tổ COVID cộng đồng nhằm giữ môi trường xanh - sạch - đẹp.
Video có thể bạn quan tâm:
Hành trình an toàn – bảo vệ bạn và những người yêu thương