Xử lý rác thải bệnh viện: Làm tốt không khó, khó là do... không làm

24-04-2017 07:05 | Camera bệnh viện

SKĐS - Những năm gần đây, trong khi một số bệnh viện vẫn gặp khó khăn trong xử lý chất thải, nước thải y tế,

Những năm gần đây, trong khi một số bệnh viện vẫn gặp khó khăn trong xử lý chất thải, nước thải y tế, thì ngược lại, đã có những cơ sở chú trọng đầu tư trang thiết bị lẫn con người, quy trình hợp lý, đảm bảo đúng theo quy định. Bệnh viện Phổi Trung ương là một trong những bệnh viện đã được Bộ Y tế đánh giá làm tốt công tác này.

Với quy mô 37 khoa, phòng, trung tâm và 720 giường bệnh thực kê, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Phổi Trung ương phát sinh lượng chất thải lây nhiễm khoảng gần 150kg, chất thải tái chế khoảng 120kg, chất thải y tế thông thường (không bao gồm chất thải tái chế) khoảng 2 khối, tương đương khoảng 8.000kg và lượng nước thải y tế là 210m3. Để xử lý tốt khối lượng chất thải lớn phát sinh hàng ngày, Ban Giám đốc Bệnh viện đã thành lập Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn và cũng là Ban chỉ đạo công tác quản lý chất thải y tế. Bệnh viện giao cho Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) là đơn vị chuyên trách về quản lý chất thải y tế trong bệnh viện.

Xử lý rác thải bệnh việnNhân viên y tế đang bỏ ống kim tiêm vào thùng màu vàng chứa chất thải lây nhiễm.

Anh Chu Minh Nhì, Trưởng khoa KSNK cho biết: Tại mỗi khoa, phòng, trung tâm đều có đặt các thùng và túi đựng chất thải có mã màu đúng quy định (xanh, vàng, đen, trắng) cho từng loại và có bảng hướng dẫn phân loại chất thải y tế gắn tại các vị trí cần thiết. Bệnh viện còn rất chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, truyền thông về quản lý chất thải y tế cho nhân viên y tế. Công tác tuyên truyền cho người bệnh, người nhà người bệnh phân loại rác đúng theo chỉ dẫn cũng được thực hiện thường xuyên, thông qua các cuộc họp Hội đồng người bệnh định kỳ trong Khoa Lâm sàng hàng tuần và đối với Hội đồng người bệnh (toàn bệnh viện) hàng tháng.

Xử lý rác thải bệnh việnThùng đựng rác được đặt ở nhiều nơi thuận tiện cho việc thu gom.

Việc phân loại và gom chất thải y tế tại các khoa, phòng, trung tâm do các nhân viên y tế tại bệnh viện thực hiện. Còn tại những khu vực công cộng hay khuôn viên, bệnh viện luôn bố trí khoảng 60-70 thùng đựng chất thải, được đặt hợp lý ở các vị trí giúp người nhà và người bệnh thuận tiện khi sử dụng. Cảnh quan và môi trường trong bệnh viện cũng luôn được xanh-sạch-đẹp, vấn đề vệ sinh cũng luôn được đảm bảo sạch sẽ, hàng ngày được làm vệ sinh sạch trước 8h sáng và duy trì đến 18h do một đơn vị ký hợp đồng với bệnh viện đảm nhận.

Sau khi phân loại, thu gom các loại chất thải rắn y tế sẽ được vận chuyển cẩn thận, an toàn từ các khoa, phòng, trung tâm về các nơi lưu trữ riêng biệt, đúng nơi quy định, gồm nơi lưu giữ chất thải nguy hại, nơi lưu giữ chất thải thông thường không phục vụ mục đích tái chế và nơi lưu giữ chất thải thông thường phục vụ tái chế.

Xử lý rác thải bệnh việnThùng màu đen chứa chất thải nguy hại.

Cũng theo anh Nhì, khâu cuối cùng là công tác bàn giao, vận chuyển xử lý chất thải y tế đã được bệnh viện hợp đồng với các đơn vị có chức năng, đã được cấp giấy phép vận chuyển và xử lý. Đó là các Công ty TNHH Môi trường Xanh đảm nhận vận chuyển xử lý chất thải nguy hại, Công TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội đảm nhận vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt.

Về vấn đề xử lý nước thải y tế, hiện nay bệnh viện đã đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải mới được xây dựng bằng công nghệ AAO với công suất 500m3/ngày đêm; chất lượng nước thải sau khi xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế.

Xử lý rác thải bệnh việnNhân viên dịch vụ thu gom, chuyên chở chất thải tái chế về nơi lưu giữ.

Cùng nhiều giải pháp tích cực, năm vừa qua, trong đợt kiểm tra liên ngành gồm Bộ Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng Cục Môi trường, Cảnh sát Môi trường,... Đoàn kiểm tra đã đánh giá bệnh viện thực hiện tốt, đầy đủ quy định pháp luật về công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải y tế.


Việt Anh
Ý kiến của bạn