Hàng ngày, người dân tại hai thôn Đào Nguyên (Hoài Đức, Hà Nội) và Đồng Bụt (Quốc Oai, Hà Nội) vẫn phải sống chung với vấn nạn ô nhiễm mùi hôi thối, bụi, tiếng ồn… Nguyên nhân rõ ràng là từ các cơ sở sản xuất, chế biến nằm gần khu dân cư và thiếu các biện pháp xử lý ô nhiễm. Đáng lo ngại có doanh nghiệp bị cơ quan chức năng kiểm tra, kết luận “đủ tiêu chuẩn” nhưng thực tế người dân vẫn khổ sở vì bị ảnh hưởng. Tình trạng này kéo dài đang “gặm nhấm” sức khỏe và xáo trộn cuộc sống của bà con xung quanh…
Trạm trộn “nghỉ ngày cày đêm”
Thời gian qua, nhiều người dân thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức đã phản ánh với báo chí về trạm trộn bê tông của Công ty CP Sông Đà 704 được đặt ngay sát khu dân cư đã và đang ngày đêm bào mòn cuộc sống của người dân nơi đây bởi bụi, tiếng ồn, chất thải bê tông. Được biết, đây là trạm trộn bê tông của một doanh nghiệp trên tỉnh Sơn La mới chuyển về hoạt động tại đây từ tháng 10/2015 để phục vụ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Theo quy định, các trạm trộn bê tông phải ở xa khu dân cư vì thường gây ô nhiễm bụi phế thải vật liệu và tiếng ồn (ảnh minh họa).
Ông Cao H.N. ở thôn Đào Nguyên kêu khổ: “Tôi già rồi, ngày vẫn phải đi làm, được giấc ngủ thì cả đêm ầm ầm tiếng xe, máy trộn khiến tôi không ngủ được. Nhà tôi lại đúng chiều gió bụi xi măng bay vào nhà không thể ngửi được. Bây giờ chúng tôi sinh sống kiểu gì đây?”.
Chị Nguyễn T.M. cũng gần cảnh ngộ: “Tôi phải đóng cửa suốt ngày, nếu mở ra bụi bay vào bám đầy các vật dụng trong nhà. Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm giúp dân di rời cái trạm trộn bê tông này ra nơi khác, trả lại bầu không khí trong lành cho chúng tôi, tôi còn ba đứa con nhỏ mà suốt ngày ho, viêm phổi, viêm mũi viêm xoang… cuộc sống quá khổ, khổ ơi là khổ”.
Theo tìm hiểu của các phóng viên, đúng như phản ánh của người dân, ban ngày, các trạm trộn này hoạt động với công suất nhỏ, nhưng bắt đầu từ lúc 19h đến 5h sáng ngày hôm sau thì chạy hết công suất khiến cho cuộc sống của bà con ở xã An Thượng đang lâm vào cảnh sống mòn, chết mòn.
Dân “ngất ngây” vì “hương” thức ăn gia súc
Đồng cảnh ngộ với người dân thôn Đào Nguyên, hàng ngày, người dân thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội cũng đang khốn khổ về tình trạng xả thải khí gây ô nhiễm môi trường được cho là xuất phát từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH Duy Thịnh thuộc Khu công nghiệp Ngọc Liệp, Quốc Oai.
Thực tế, công ty trước đây làm lắp ráp xe máy, nhưng sau lại đột ngột chuyển sang làm thức ăn gia súc và quy trình là dùng nhiệt hơi làm chín lông gia cầm đã thủy phân, rồi cho vào máy sấy, máy nghiền. Chính công đoạn này đã gây phát tán mùi đặc trưng khó chịu đi khắp vùng lân cận. Từ vài năm qua, người dân nơi đây đã nhiều lần bày tỏ phản đối đến công ty và các cơ quan chức năng nhưng vụ việc lại đâu vẫn hoàn đấy. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện và Sở Tài nguyên môi trường để xử lý. Tại buổi làm việc ngày 19/12/2014, trước sự chứng kiến của Trưởng công an xã Ngọc Liệp, Giám đốc Công ty TNHH Duy Thịnh đã viết bản cam kết sẽ dừng việc đốt chất gây ô nhiễm. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, đến tháng 8/2015, mùi hôi thối lại tiếp tục phát ra từ nhà máy. Người dân tiếp tục báo công an huyện, công an xã để được giải quyết. Tại buổi làm việc, các cơ quan chức năng đã lập biên bản hiện trường, nhưng cho đến nay, công ty này vẫn duy trì hoạt động.
Được biết, sau khi kí cam kết thay đổi mà Công ty Duy Thịnh thực hiện chỉ là cho lắp ống xả khí thải cao hơn so với trước đây. Và cho tới nay, các cột ống khói vẫn đều đặn xả khói đen, từ xa vẫn có thể cảm nhận thấy rất rõ mùi hôi, khét nồng nặc lan tỏa, đồng thời gió tiếp tục đưa mùi hương này tới từng nhà dân xung quanh.
Kết luận một đằng, thực tế một nẻo
Cho đến thời điểm này, hàng ngày, người dân tại hai thôn Đào Nguyên và Đồng Bụt vẫn phải sống chung với vấn nạn ô nhiễm mùi hôi thối, bụi, tiếng ồn… Họ rất lo lắng vô vọng vì tình trạng này diễn ra đã vài năm, không biết sẽ kéo dài tới bao giờ và vì dù có cả cơ quan chức năng (Sở Tài nguyên Môi trường) cử đoàn xuống mà cũng không giải quyết được vấn đề. Trong Công văn 1072/STNMT-CCMT ngày 4/2/3016 của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội về mức độ ô nhiễm của Công ty Duy Thịnh thì cho rằng “kết quả phân tích các thông số môi trường không khí xung quanh nhỏ hơn mức quy định tại QCVN05:2013/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh”.
Ngược lại kết luận này, trên thực tế, người dân khổ quá phải lập ra cái giấy gọi là “Giấy xác nhận mùi hôi thối phát tán” trong đó tổng hợp đủ ý kiến đông đảo người dân, trạm y tế, trường tiểu học… bức xúc về thứ hương vị đặc trưng từ Công ty Duy Thịnh.
Liên quan đến vấn đề gây ô nhiễm của Công ty Duy Thịnh, ông Nguyễn Văn Canh - Chánh Văn phòng UBND huyện Quốc Oai cho biết: “Sự việc diễn ra đã lâu, xã đã báo cáo lên huyện và huyện đã có báo cáo Sở Tài Nguyên Môi trường. Thẩm quyền giải quyết việc này thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường”.
Còn về vấn đề những trạm trộn bê tông ở An Thượng, Hoài Đức, ông Nguyễn Xuân Lý - Chánh văn phòng UBND huyện Hoài Đức cũng thừa nhận qua điện thoại: “Tất cả các trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện đều không được cấp phép chứ nói gì riêng trạm trộn của Công ty CP Sông Đà 704”. Đồng thời ông Lý cũng cho biết: “Phía UBND huyện đã giao cho Phòng quản lý đô thị, Thanh tra sau đó lên kế hoạch cưỡng chế, di rời theo quy định của pháp luật”.
Trong khi chờ kết luận cơ quan chức năng xử lý dứt điểm thì hàng ngày, người dân quanh cụm công nghiệp Ngọc Liệp và thôn An Thượng, Hoài Đức vẫn phải bịt mũi, đóng cửa tránh ô nhiễm tiếng ồn, mùi xú uế của khí thải. Đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường vào cuộc căn cứ trên thực tế chứ không phải bằng những tiêu chuẩn cứng nhắc, thiếu linh hoạt, mang nặng tính lý thuyết.