Xử lý ô nhiễm môi trường ở Đông Anh (Hà Nội): Vẫn ì ạch tìm giải pháp

23-11-2018 07:48 | Xã hội

SKĐS - Trên địa bàn các xã Mai Lâm, Dục Tú, Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội từ nhiều năm nay tồn tại hàng chục nhà xưởng đang ngày đêm xả thải trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân quanh khu vực, gây ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên không hiểu vì lí do gì, các xưởng gỗ này vẫn tiếp tục hoạt động.

Ngang nhiên xả thải: dân nói có, chính quyền xã nói không

Theo tìm hiểu của PV, mặc dù UBND xã đã chấm dứt hợp đồng cho các hộ này thuê đất từ năm 2013 nhưng tính đến nay, loạt nhà xưởng này vẫn không hề bị di dời. Được biết, khu vực nhà xưởng đó thuộc vào quy hoạch xây dựng đường dẫn cầu Tứ Liên. Để làm rõ việc này, PV báo SK&ĐS đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Mai Lâm. Tại buổi làm việc, ông Lâm cho biết: Khu vực các nhà xưởng sản xuất gỗ ép, gỗ dán thuộc thôn Lộc Hà đã tồn tại gần 20 năm nay. Trước đây xã ký hợp đồng cho các xưởng thuê đất để kinh doanh. Tuy nhiên thực hiện luật Đất đai 2013, UBND xã đã tiến hành thanh lý hợp đồng với các xưởng sản xuất và không cho họ thuê đất nữa. Nhưng vì một số nguyên nhân khác nhau nên đến giờ, các nhà xưởng vẫn hoạt động, chưa thể di dời đi chỗ khác.

Khi được hỏi về việc các cơ sở sản xuất ngang nhiên xả thải ra môi trường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ông Lâm cho rằng, UBND xã thường xuyên đôn đốc các chủ cơ sở sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường. Tôi thấy các xưởng khá sạch sẽ và đến nay, xã chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của người dân liên quan tới các xưởng gỗ này gây ô nhiễm cả, ông Lâm cho biết.

Xử lý ô nhiễm môi trường ở Đông Anh (Hà Nội): Vẫn ì ạch tìm giải phápMột xưởng sản xuất ở xã Dục Tú xả khói ra môi trường.

Tuy nhiên, người dân ở đây cho biết, các nhà xưởng này hoạt động suốt ngày đêm. Thường xuyên xả khói đồng loạt khiến cho dân chúng tôi không thể nào thở được. Mùi khói lẫn với mùi hăng nồng của keo dán, của bụi gỗ khiến cho không khí quanh khu vực rất ngột ngạt và tức ngực. Mỗi hôm trở gió là chúng tôi phải đóng chặt cửa không dám ra ngoài. Thậm chí, các doanh nghiệp ở đây còn xả nước thải trực tiếp vào hệ thống mương nội đồng, cả khu vực bốc mùi hôi thối. Người dân lo sợ nước này mà sử dụng cho sản xuất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và hoa màu, người dân cho biết.

Khảo sát của PV trên địa bàn thôn Trung, xã Việt Hùng xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất đủ các ngành nghề như: ép gỗ, tái chế sắt thép, sản xuất bê tông, nấu lốp cao su,... Các cơ sở này tập trung ở các địa điểm Bãi Thó, Lò Vôi, Bãi Than, đặc biệt là khu vực ga Cổ Loa, tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân xung quanh không kém gì ở Mai Lâm.

Lãnh đạo huyện nói nói gì?

Trước đó, chiều 20/11, tại Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, nói về vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện ủy, UBND huyện Đông Anh, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả. Các điểm ô nhiễm môi trường trên địa bàn được xử lý quyết liệt. Đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được khắc phục.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra nhiều năm nay bởi các cơ sở sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân thì ông Nguyễn Xuân Linh thừa nhận: Khu vực lò vôi, bãi than, nhà máy bê tông thuộc xã Việt Hùng và các cơ sở sản xuất ở các xã Mai Lâm, Dục Tú và khu vực thị trấn Đông Anh từ lâu được xem là một trong những điểm sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Khí thải, tiếng ồn, bụi bặm phát sinh khiến đời sống của người dân khu vực lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Về việc này, UBND huyện Đông Anh đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan kiểm tra và xác định có 15 cơ sở hoạt động không có kế hoạch bảo vệ môi trường ở khu vực này. Đồng thời đã ban hành các quyết định đình chỉ hoạt động của các cơ sở; xử phạt vi phạm 9 cơ sở với tổng số tiền gần 600 triệu đồng.

Xử lý ô nhiễm môi trường ở Đông Anh (Hà Nội): Vẫn ì ạch tìm giải phápNước thải tại các xưởng sản xuất được xả trực tiếp ra kênh Hà Bắc.

Về giải pháp khắc phục, ông Linh cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ triển khai nhiều giải pháp, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học, công nghệ để sản xuất sạch hơn; tiếp tục có các biện pháp xử lý triệt để đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không khuyến khích đầu tư, thành lập các cơ sở sản xuất mới có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Về lâu dài, UBND huyện Đông Anh kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thành lập khu công nghiệp, cụm công nghiệp Đông Anh, để đưa các cơ sở sản xuất hiện đang nằm ngoài khu, cụm công nghiệp vào khu tập trung, không để sản xuất trong khu dân cư. Cùng với đó, UBND thành phố sớm xây dựng quy hoạch tổng thể về bảo vệ môi trường, chi tiết cho từng khu vực. Nhằm quản lý và xử lý có hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực môi trường, nhất là tại các khu dân cư tập trung và làng nghề.

Được biết, hiện Đông Anh đang phấn đấu đáp ứng tiêu chí để đến năm 2020 trở thành quận. Đến thời điểm này, theo Nghị quyết của Ủy Ban thường vụ Quốc hội đang thiếu 2/6 chỉ tiêu. Đó là thu ngân sách và cơ cấu lao động. Vì vậy đừng để vấn đề ô nhiễm môi trường cản trở mục đích trở thành quận Đông Anh của Hà Nội.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn