Hà Nội

Xử lý ô nhiễm làng nghề: “Mắc kẹt” giữa phát triển và môi trường

25-02-2019 14:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ của Quốc hội, hiện nay, chỉ có 26,7% cơ sở làng nghề là có thu gom nước thải công nghiệp và có 20,9% số làng nghề là có thu gom chất thải rắn công nghiệp.

Đây đang là một vấn đề lớn trong xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là các làng nghề truyền thống.

Sống chung với ô nhiễm trầm trọng

Theo thống kê, hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề, trong đó trên 1.800 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. Có đến 60% làng nghề tập trung khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Ðịnh... Miền Trung chiếm khoảng 23,6%, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và miền Nam chiếm khoảng 16,6%, tập trung chủ yếu ở TP. Cần Thơ, tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương.

Các xưởng chế tác đá tại thôn Long Châu Miếu chưa chú trọng đến việc xử lý ô nhiễm không khí và nước thải.

Các xưởng chế tác đá tại thôn Long Châu Miếu chưa chú trọng đến việc xử lý ô nhiễm không khí và nước thải.

Các làng nghề đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Dễ thấy nhất là khâu giải quyết việc làm. Hiện làng nghề đã thu hút hơn 11 triệu lao động, khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn... Tuy nhiên, một vấn đề nan giải là có đến 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt, với nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ, các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ hàm lượng các chất ô nhiễm vượt quá quy chuẩn hàng chục lần.

Trên địa bàn Hà Nội, nhiều làng nghề, hiện người dân đang phải sống chung với cảnh ô nhiễm bụi. Các làng nghề mộc ở Thạch Thất là ví dụ. Theo ghi nhận thực tế, xã Dị Nậu có hơn 3.000 hộ dân thì có tới trên 60% số hộ tham gia sản xuất nghề mộc. Việc làng nghề phát triển mạnh cả về quy mô lẫn số hộ sản xuất đã gây sức ép không nhỏ tới môi trường địa phương thời gian gần đây. Các hoạt động làm mộc đã ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt của người dân do tiếng ồn, mùi sơn và đặc biệt là bụi gỗ... từ hoạt động sản xuất phát tán ra không khí.

Tại các làng nghề truyền thống khác như: sản xuất tăm hương Quảng Phú Cầu thuộc huyện Ứng Hòa; chế biến nông sản, thực phẩm Dương Liễu thuộc huyện Hoài Đức; làng nghề Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì với nghề thu gom phế thải, lông vũ, tái chế nhựa... đều có điểm chung là toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất trong làng đều được “xả” thẳng ra môi trường.

Gần chục năm qua, bà con xóm Vườn Hoa, thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu (Chương Mỹ - Hà Nội) phải sống trong tình cảnh ô nhiễm không khí, tiếng ồn do những xưởng đá tại địa phương gây ra. Trái ngược với sự phát triển nhộn nhịp của làng nghề là sự bức xúc của các hộ dân xóm Vườn Hoa khi từ năm 2005 đến nay, hàng ngày họ bị “tra tấn” bởi tiếng máy xẻ đá, bụi và tiếng ồn từ xưởng chế tác đồ đá mỹ nghệ. Xưởng đá này hoạt động ngay giữa khu dân cư, trực tiếp xả thải bụi đá ra môi trường khiến cho không khí, nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Tại làng nghề da giày Phú Yên (huyện Phú Xuyên), tình trạng khói bụi bao phủ quanh các khu dân cư diễn ra một cách thường xuyên do các chủ cơ sở sản xuất da giày xử lý rác thải theo hình thức đốt một cách bừa bãi. Cuộc sống của người dân luôn trong cảnh bức bối, người lớn còn không chịu nổi huống chi trẻ nhỏ. Nhiều cháu do hít phải khói bụi nên không lớn được; nhiều trẻ nhỏ đã phải đi bệnh viện điều trị bệnh lao phổi, uống thuốc thường xuyên chỉ vì khói bụi. Xã Phú Yên có 4 thôn, trong đó có 3 thôn làm nghề sản xuất giày dép. Nhờ có nghề truyền thống, nhiều năm nay, người dân trở nên giàu có. Tuy nhiên, cũng chính từ nghề này, người dân nơi đây cùng một số xã lân cận như Châu Can, Thượng Yên đang phải gồng mình chống lại nạn ô nhiễm và nỗi lo bệnh tật bởi khói bụi từ rác thải công nghiệp.

Trong khi đó, tại làng nghề nhuộm La Phù (huyện Hoài Đức), với việc các hộ làm nghề nhuộm và gia công bánh kẹo cùng xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra kênh tiêu T3A khiến cho dòng nước của kênh tiêu này có màu đen đặc và bốc mùi khó chịu. Bên cạnh đó, việc vứt rác bừa bãi khiến tình trạng ứ đọng dòng chảy, tắc nghẽn hệ thống thoát nước thường xuyên xảy ra.

Giải pháp “cứng” và “mềm”

Các chuyên gia môi trường nhận định, bên cạnh “phần cứng” là hệ thống pháp lý để xử lý những vi phạm môi trường, để các làng nghề phát triển bền vững, quản lý môi trường làng nghề thì phải dựa vào cộng đồng. Minh chứng dễ thấy là tại nhiều nơi, sau khi xây dựng, khôi phục các quy ước, hương ước của làng, xóm thì công tác góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường được chú trọng hơn. Các địa phương cũng cần nghiên cứu, khuyến khích người dân làng nghề áp dụng các công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, quy hoạch bố trí lại sản xuất để giảm chất thải..., đưa ra mục tiêu cụ thể, có như vậy mới có thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực làng nghề.

Rõ ràng công tác cải thiện vấn đề môi trường làng nghề đòi hỏi một loạt biện pháp có tính chất tổng hợp, từ vấn đề chính sách pháp luật, vấn đề cơ chế, tài chính, kỹ thuật... trong đó quan trọng nhất là người dân làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy sản xuất tại các làng nghề truyền thống. Ngoài ra, chính quyền các cấp cũng cần tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và có những chế tài mạnh, đủ sức răn đe.


Hải An
Ý kiến của bạn