Hà Nội

Xử lý ổ dịch sốt xuất huyết

08-05-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa, các địa phương thường hay có bệnh lưu hành cần chủ động phát hiện sớm ổ dịch...

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa, các địa phương thường hay có bệnh lưu hành cần chủ động phát hiện sớm ổ dịch để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả nhằm ngăn chặn bệnh bùng phát thành dịch trên diện rộng.

Biểu hiện của sốt xuất huyết trên da.

Xác định ổ dịch sốt xuất huyết

Ở một nơi bao gồm tổ dân phố, khu phố, xóm, thôn, bản, ấp, cụm dân cư hoặc cơ sở tương đương được xác định là có ổ dịch sốt xuất huyết khi tại nơi đó có các ca bệnh lâm sàng xảy ra trong vòng 7 ngày hoặc một ca bệnh sốt xuất huyết được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật chuyên môn ở phòng xét nghiệm; đồng thời phát hiện có bọ gậy và lăng quăng muỗi hoặc muỗi trưởng thành truyền bệnh sốt xuất huyết trong phạm vi bán kính 200 mét. Sau khi phát hiện có ổ dịch sốt xuất huyết xảy ra tại địa phương, cơ sở phải tập trung xử lý ngay ổ dịch bằng các biện pháp can thiệp theo quy định. Ổ dịch sốt xuất huyết chỉ được xác định chấm dứt, không còn lưu hành khi không phát hiện được ca bệnh mắc mới trong vòng 14 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng.

Ca bệnh lâm sàng ghi nhận ở những người sống hay đến từ vùng có ổ dịch hoặc lưu hành sốt xuất huyết trong vòng 14 ngày với biểu hiện lâm sàng sốt cao đột ngột, sốt liên tục từ 2 - 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau đây: Có biểu hiện xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau như nghiệm pháp dây thắt dương tính, có chấm hoặc mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn. Da sung huyết, phát ban. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Vật vã, li bì. Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan. Ca bệnh xác định là ca bệnh được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật xét nghiệm Elisa (enzyme linked immunosorbent assay) để phát hiện IgM hoặc NS1, phân lập virut gây bệnh hay kỹ thuật xét nghiệm PCR (polymerase chain reaction).

Cần quan tâm chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi trong xử lý ổ dịch sốt xuất huyết. (Ảnh minh họa)

Xử lý ổ dịch sốt xuất huyết

Xử lý ổ dịch sốt xuất huyết phải được triển khai đồng thời cùng một lúc biện pháp điều trị bệnh nhân và can thiệp biện pháp chuyên môn kỹ thuật tùy theo quy mô của ổ dịch. Việc điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết thực hiện đúng theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết của Bộ Y tế ban hành. Can thiệp biện pháp chuyên môn kỹ thuật tùy theo quy mô ổ dịch với cách xử lý khác nhau như: khi chỉ có 1 ổ dịch sốt xuất huyết thì xử lý biện pháp ở khu vực trong phạm vi bán kính 200 mét kể từ nhà bệnh nhân. Trường hợp có từ 3 ổ dịch sốt xuất huyết trở lên tại một tổ dân phố, thôn, bản, ấp hoặc cơ sở tương đương trong vòng 14 ngày thì xử lý theo quy mô tổ dân phố, thôn, bản, ấp hoặc cơ sở tương đương và có thể mở rộng ra khi có nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Các biện pháp xử lý ổ dịch cần phải được triển khai ngay trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được phát hiện và xác định bao gồm: phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, giám sát bệnh nhân và trung gian truyền bệnh với muỗi trưởng thành, bọ gậy, lăng quăng muỗi; tuyên truyền và huy động cộng đồng cùng hưởng ứng, tham gia các biện pháp; tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi truyền bệnh...

Chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi truyền bệnh

Chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng muỗi truyền bệnh là một biện pháp kỹ thuật khá quan trọng trong xử lý ổ dịch sốt xuất huyết vì nếu chỉ chú trọng đến việc điều trị bệnh nhân, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành thì không có hiệu quả do bọ gậy và lăng quăng hiện diện trong khu vực ổ dịch sẽ tiếp tục phát triển thành muỗi trưởng thành để truyền bệnh. Chiến dịch diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi truyền bệnh phải được thực hiện đến từng hộ gia đình trước khi phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

 

 


Ý kiến của bạn