Vừa qua, thông tin phản ánh về rất nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tại tỉnh Cà Mau chưa hoàn thành đấu nối hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành. Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế Cà Mau khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ và xử lý. Điều này cho thấy việc thu gom, xử lý triệt để nước thải y tế ở nhiều tỉnh đang rất nan giải nếu như chỉ trông chờ vào ngân sách và tự xử lý…
Nhiều cơ sở không đạt chuẩn
Nguồn nước thải từ bệnh viện phần lớn là nước thải thông thường từ nhà vệ sinh, khu vực rửa dụng cụ, nhà ăn, nước thải từ phẫu thuật, điều trị, khám, chữa bệnh, xét nghiệm, giặt giũ, vệ sinh của người bệnh, nhân viên y tế… bên cạnh đó tuy chiếm một phần nhỏ nhưng nước thải từ hoạt động in chụp Xquang, các chất phóng xạ lỏng và bệnh phẩm là phần nước thải nguy hại chứa rất nhiều chất độc hại, nồng độ kháng sinh và các vi khuẩn gây bệnh cao. Nếu không được xử lý triệt để, khi thải ra môi trường sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái trong nguồn nước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tạo nên nguy cơ ô nhiễm, lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, giải quyết dứt điểm tình trạng xả nước thải y tế ra ngoài môi trường đang gặp rất nhiều khó khăn cần có giải pháp cấp bách.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cả nước hiện có hơn 13.500 cơ sở y tế, trong đó có gần 1.400 cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên và hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hằng ngày, các cơ sở này thải ra khoảng 450 tấn rác, trong đó có 47 tấn chất thải rắn nguy hại và hơn 125.000m³ nước thải cần được xử lý đặc thù. Đó là chưa kể đến một lượng rác khổng lồ từ hơn 1.000 cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược, sản xuất thuốc, y tế tư nhân…
Một hệ thống xử lý nước thải y tế ở Cà Mau.
Điều này một lần nữa được khẳng định trong kết quả thực hiện Đề án 2038 - một đề án tổng thể xử lý chất thải giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng giai đoạn 2020, trong số 13.511 cơ sở y tế của cả nước hiện mới có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn; 40% còn lại vẫn chưa đạt. Tuy nhiên, về nước thải y tế ở cả bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh đều chưa đạt mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, đối với cơ chế xử lý nước thải y tế, hiện nay, ngành y tế đang có hai mô hình xử lý nhưng hầu hết là xử lý tại chỗ. Kinh phí đầu tư cho xử lý nước thải y tế chủ yếu từ ngân sách Nhà nước với quy mô dưới 20 tỉ đồng.
Trở lại vấn đề ở Cà Mau, Cục Quản lý Môi trường yY tế (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế Cà Mau về việc kiểm tra, làm rõ phản ánh 100% bệnh viện, trung tâm y tế tại tỉnh Cà Mau vi phạm về môi trường. Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường công tác quản lý chất thải y tế theo các quy định hiện hành.
Nan giải kinh phí
Nguyên nhân của tình trạng này là hiện việc đầu tư nguồn lực cho hệ thống xử lý chất thải tại các cơ sở y tế chưa được như mong muốn, thậm chí có bệnh viện không quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Hiện còn hàng trăm bệnh viện cần được đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Mặt khác, tại các bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế, công tác vận hành, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng còn khó khăn do thiếu kinh phí vận hành và thiếu cán bộ có chuyên môn kỹ thuật phù hợp để quản lý....
Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế - ông Doãn Ngọc Hải cũng cho biết, theo kết quả nghiên cứu đánh giá độc lập của Viện ở gần 100 bệnh viện trên cả nước cho thấy vấn đề tồn tại lớn nhất trong công tác xử lý nước thải y tế nằm ở khâu vận hành. Viện trưởng Hải cho rằng, nguyên nhân của việc chất lượng nước thải không bảo đảm liên quan một phần tới việc để các bệnh viện tự bố trí cán bộ vận hành hệ thống xử lý nước thải, cán bộ vận hành không có chuyên môn, không được chuẩn hóa thì rất khó đảm bảo các chỉ tiêu nước đầu ra.
Hiện nay, Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế đang triển khai một giải pháp nhằm trợ giúp các bệnh viện xử lý một cách cơ bản và chuyên nghiệp - đó là cơ chế thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế. Theo đánh giá của Cục Quản lý môi trường, việc thuê ngoài này, đứng ở nhiều góc độ là cần thiết và khả thi. Có cơ chế huy động được các thành phần xã hội tham gia vào xử lý nước thải y tế là tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và tăng tính chuyên nghiệp trong vận hành hệ thống.
Được biết, trên thị trường có nhiều công ty, doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường y tế. Họ có đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm, có công nghệ tiên tiến từ nước ngoài đồng thời đầu tư nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các công nghệ xử lý và tìm các phương án hợp lý nhất với mỗi loại nước thải khác nhau. Việc đưa ra được cơ chế để những đơn vị này liên kết với các bệnh viện chắc chắn sẽ là sự trợ giúp tốt hơn cả để xử lý nước thải y tế hiện nay.