Hà Nội

Xử lý nhanh tại nhà ngộ độc thức ăn ngày Tết ở trẻ em

21-01-2023 10:16 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Ngày Tết ăn uống liên miên với nhiều loại thức ăn lạ dễ khiến cơ thể ngộ độc, đặc biệt là trẻ em. Bạn có thể xử lý nhanh ngộ độc thức ăn tại nhà với những biện pháp sau đây.

Theo BS. Hương Giang - Bệnh viện Nhi Trung ương, thức ăn lạ, biến chất là một trong những nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm ở trẻ em. Thức ăn bị biến chất tạo nên những chất độc như betamin, histamine, ceton, aldehyd…

Sau khi ăn phải các thức ăn bị biến chất từ 1-3 giờ, người bị ngộ độc sẽ xuất hiện triệu chứng: đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu… trường hợp nặng có thể gây ra suy sụp cơ thể do mất nước, mất điện giải, sốt cao, co giật.

photo-1673346358197

Từ 1-3 giờ sau khi ăn nhầm các thức ăn bị biến chất, người bị ngộ độc sẽ xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đau bụng... Ảnh minh họa.

Triệu chứng nhận biết ngộ độc thức ăn

- Đầy bụng, đau quặn bụng, đi ngoài, phân lỏng, nhiều nước lổn nhổn thức ăn chưa tiêu, ngày đi 3 - 10 lần hoặc hơn.

- Nôn sau 1 - 2 lần đi ngoài phân lỏng hoặc có thể chỉ nôn mà không bị đi ngoài; nôn thốc, nôn tháo nhiều lần những thức ăn chưa xuống ruột, chua, nhiều nước khiến bệnh nhân càng bị mất nước và điện giải.

- Có thể sốt cao 38 – 39 độ C, rét run, đau mỏi toàn thân.

Biện pháp xử lý ngộ độc

- Gây nôn để ngăn cản sự hấp thu của ruột đối với chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày sau đó đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

- Bù ngay nước và điện giải bằng dung dịch oresol. Đây là khâu quan trọng nhất vì trẻ em thể trọng cơ thể nhỏ, khi tiêu chảy bị mất nước và điện giải, sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải.

Cần chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol để pha làm nhiều lần.

Nếu không có Oresol, có thể pha nước gạo rang với muối ăn. Thường bù từ 1 - 2 lít/ngày. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi.

photo-1673346366341

Bù ngay nước và điện giải bằng dung dịch oresol. Ảnh minh họa

- Không nên sử dụng tùy tiện các loại thuốc, đặc biệt là những thuốc làm giảm nhu động ruột có tác dụng làm giảm sự co bóp của ruột nên nước và chất điện giải di chuyển trong ruột chậm hơn, từ đó làm tăng sự hấp thu nước và điện giải trong lòng ruột vì thế làm tăng độ đặc của phân.

Trong trường hợp nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn, sử dụng nhóm thuốc này sẽ làm chậm quá trình đào thải chất độc ra khỏi cơ thể và càng làm cho tình trạng nhiễm độc bị nặng nề hơn.

- Nếu có các triệu chứng khác lạ, như co giật, rối loạn ý thức hay suy hô hấp thì không sử dụng biện pháp gây nôn nếu không sẽ ảnh hưởng tới tính mạng. Cần nhanh chóng chuyển người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

6 lợi ích của việc cắt bỏ đường | SKĐS

Phương Thanh
Ý kiến của bạn