Đáng chú ý, hầu hết các hạng mục này đều không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc sử dụng sai phép. Tuy đã bị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ hoặc di chuyển khỏi hành lang thoát lũ nhưng đến nay, một số cơ sở vẫn chưa được xử lý dứt điểm...
Vi phạm trải dọc bờ sông
Cuối phố Chương Dương Độ thuộc địa bàn dân cư Bạch Đằng 2 (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) xuất hiện khu nhà nổi hoành tráng trưng biển Nhà hàng Kiều Gia, bên trên là dòng chữ Bến tàu Du lịch sông Hồng. Đi khoảng 10m trên cầu tàu là công trình nhà nổi có diện tích hơn trăm mét vuông, kế ngoài là một công trình khác đang trong quá trình xây dựng trên phương tiện thủy neo cố định.
20m xuôi về phía hạ nguồn xuất hiện một công trình nhà nổi khác đã hoàn thiện trưng thêm một biển Nhà hàng Kiều Gia. Khu nhà nổi này dựng 2 tầng, có các phòng riêng, khu vui chơi cho trẻ. Nhà hàng này quảng cáo có sức chứa 400 khách.
Kế tiếp Nhà hàng Kiều Gia là công trình có kiến trúc cổ, giống “biệt phủ”... Công trình được dựng trên một phương tiện thủy có diện tích khoảng 200m2, kiểu nhà sàn bằng gỗ, 4 mái kiên cố. Hai bên có thêm hai phân khu phụ trợ có kết cấu tương đối giống với khu chính, mỗi khu có diện tích vài chục mét vuông.
Hướng về phía cầu Long Biên, đoạn sát bờ sông Hồng địa phận phường Ngọc Thụy (Long Biên) cũng có 3 nhà hàng: Sông Hồng View, Phương Linh, Bếp Ngư Ông. Ước chừng mỗi nhà hàng có diện tích hàng trăm mét được dựng trên một chiếc tàu cũ cỡ lớn được neo cố định và trên các thùng phuy nhựa. Các nhà hàng này hoạt động từ trưa đến đêm và liên tục đón tiếp các thực khách.
Trước đó, tại phía Bắc cầu Nhật Tân, địa phận phường Phú Thượng (Tây Hồ) cũng xuất hiện dãy nhà hàng mang tên Cù Lao sông Hồng. Khu nhà nổi có diện tích hàng trăm mét vuông trải dọc theo cồn đất giữa sông Hồng. Khu nhà này được xây dựng trên các thùng phuy nhựa, dựng cột sắt và tấm vách gỗ, phía trên lợp tôn xanh. Hằng ngày, khách hàng được đưa đón bằng tàu cao tốc ra nhà hàng để câu cá, thưởng thức món ăn... Hiện nhà hàng này đã bị chính quyền địa phương buộc tháo dỡ toàn bộ.
Nhà hàng nổi hoành tráng xen lẫn bến thuyền được cho là có nhiều vi phạm.
“Lững lờ” xử lý
Trước thực trạng vi phạm kéo dài, ngày 27/6/2019, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và đơn vị phụ trách đoạn sông Hồng qua địa phận Hà Nội kiểm tra, xử lý. Cùng thời điểm, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, UBND các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm... cũng chỉ đạo đơn vị chức năng cùng UBND các phường phối hợp kiểm tra, xử lý nếu phát hiện sai phạm.
UBND phường Chương Dương (Hoàn Kiếm) cho biết, Nhà hàng Kiều Gia thuộc quản lý của Công ty Trường Thành. Công ty này hợp tác với Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển Du lịch sông Hồng (thuộc Công ty CP Thăng Long GTC) kinh doanh. Công trình nhà riêng như biệt phủ bên cạnh là của Công ty CP Phụ tùng Hoàng Kim. Công ty này chỉ có văn bản thỏa thuận của Sở GTVT Hà Nội cho trông giữ phương tiện giao thông trên bờ và đang trong quá trình làm thủ tục thuê đất, không được cấp phép bến thủy nội địa và không có các giấy tờ liên quan khác.
Tương tự, sau khi có phản ánh của báo chí, UBND phường Ngọc Thụy (Long Biên) đã lập đoàn kiểm tra các nhà bè nổi hoạt động kinh doanh nhà hàng ăn uống và phát hiện cả 3 nhà hàng Sông Hồng View, Phương Linh, Bếp Ngư Ông đều không cung cấp được các quyết định giao cho thuê mặt nước, giấy phép hoạt động đường thủy nội địa, giấy phép đăng ký kinh doanh, thuế từ hoạt động kinh doanh, giấy phép neo đậu tàu thuyền. UBND phường đã yêu cầu chủ nhà hàng dừng hoạt động kinh doanh, di dời bè nổi ra khỏi vị trí hành lang bảo vệ công trình đê điều trước ngày 30/6.
Sai phạm đã rất rõ, tuy nhiên thực tế thì đến hết ngày 5/7, chỉ nhà nổi Cù lao sông Hồng, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) được tháo dỡ và di chuyển ra khỏi khu vực. Còn lại, đến 22/7, 3 nhà hàng nổi không phép tại phường Ngọc Thụy vẫn tồn tại. Theo phản ánh của một số người dân tổ dân phố 2, phường Ngọc Thụy, đến nay, Nhà hàng sông Hồng View và Phương Linh vẫn đón khách... Tại bến thủy nội địa, số 48 Chương Dương, phường Chương Dương, Nhà hàng nổi Kiều Gia và các hạng mục phụ trợ phục vụ kinh doanh ăn uống do Công ty cổ phần Thăng Long GTC liên danh, liên kết với Công ty Kiều Gia, Công ty Trường Thành vẫn đón khách, trong khi hầu hết các sai phạm tại đây chưa được khắc phục...
Trao đổi về thực trạng nêu trên, ông Hoàng Minh Toàn - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc có biện pháp xử lý với các nhà hàng, công trình nổi sử dụng phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, hết hạn đăng kiểm hoặc hoán cải mà không đăng ký, đăng kiểm lại dẫn đến không bảo đảm các điều kiện hoạt động theo quy định. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các nhà hàng nổi vi phạm phạm vi, hành lang bảo vệ luồng và khu vực cấm neo đậu.
Hiện đang là mùa mưa bão, việc tồn tại các nhà hàng, công trình nổi bên sông Hồng không chỉ chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép mà còn ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ. Và nếu mưa lũ đột ngột ập về, hoàn toàn rất có thể gây nguy cơ mất an toàn cho tính mạng con người. Đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp kiểm tra, quản lý, xử lý dứt điểm vi phạm.