Hà Nội

Xử lý người để cuộn thép khổng lồ rơi xuống đường gây tai nạn thế nào?

24-01-2024 09:49 | Xã hội
google news

SKĐS - Chằng buộc, cố định thép cuộn, ống bê tông,... thiếu chắc chắn gây tai nạn bên cạnh việc bị xử phạt hành chính có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử lý nghiêm các trường hợp làm rơi bê tông, thép cuộn xuống đườngXử lý nghiêm các trường hợp làm rơi bê tông, thép cuộn xuống đường

SKĐS - Trong tháng 7/2023, Thanh tra Bộ GTVT sẽ tổ chức 1 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ, xếp hàng hóa trên ô tô.

Thời gian vừa qua liên tiếp ghi nhận những trường hợp phương tiện vận chuyển các ống bê tông, thép cuộn có trọng lượng cả tấn nhưng cách chằng buộc, cố định loại vật tư này lại thiếu chắc chắn, không đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường.

Mới đây nhất là vụ việc 3 cuộn thép nặng hàng chục tấn trên xe đầu kéo rơi xuống đường ở Bình Dương xảy ra vào chiều ngày 23/1. Theo thông tin ban đầu, cả 3 cuộn thép đồng loạt rơi khỏi phương tiện khi tài xế dừng xe gấp để tránh 1 xe máy rẽ trái đột ngột. Đáng chú ý, 1 trong số 3 cuộn thép đè bẹp 1 xe máy đang chở 2 người. May mắn thời điểm này 2 người trên xe máy kịp nhảy ra ngoài nên thoát nạn.

Hiện ở VIệt Nam chưa có quy định cụ thể về việc cố định cuộn thép. Mới chỉ có quy định chung trong xếp hàng hóa trên ô tô là phải đúng trọng tải thiết kế của xe; giới hạn cầu, hầm, đường… Các loại hàng xếp trên ô tô không được lệch và phải chằng buộc chắc chắn, đảm bảo không xê dịch trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, với từng loại hàng hiện việc chằng buộc chưa có quy chuẩn cụ thể.

Xử lý như thế nào khi những cuộn thép khổng lồ rơi xuống đường gây tai nạn?- Ảnh 2.

Những phương tiện chuyên chở thép cuộn, ống bê tông nặng hàng tấn nhưng chằng buộc, cố định thiếu chắc chắn là hung thần xa lộ, nỗi ám ảnh của nhiều người.

Chở bê tông, thép cuộn thiếu chắc chắn bị xử lý hành chính, gây tai nạn bị xử lý hình sự

Nghị định số 100/2019/NÐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, hành vi vận chuyển hàng trên xe chằng buộc thiếu chắc chắn, để hàng hóa bị xê dịch trong quá trình vận chuyển sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng.

Nếu vận chuyển hàng hóa không chằng buộc an toàn dẫn đến tai nạn giao thông sẽ bị phạt từ 8 đến 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Trong trường hợp tai nạn gây thương tích cho người khác (tùy vào mức độ thương tích), lái xe còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Ðiều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt từ 1 năm đến 15 năm.

Thực tế, khi vận chuyển các cuộn thép hay ống bê tông, tài xế hay các đơn vị vận tải chỉ chằng buộc sơ sài bằng 1 - 2 sợi xích, nhiều trường hợp chỉ chèn cố định bằng những khúc gỗ, cục gạch nên khi di chuyển trên đường ở tốc độ cao hay trong các tình huống dừng khẩn cấp tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông khiến các ống bê tông, thép cuộn rơi vãi ra đường.

Xử lý như thế nào khi những cuộn thép khổng lồ rơi xuống đường gây tai nạn?- Ảnh 3.

Ðể "phòng bệnh hơn chữa bệnh", các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ về trọng tải và cách chằng buộc hàng hóa trên xe.

Trước đó, từ nửa cuối năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan xe ô tô, sơ mi rơ moóc vận chuyển tôn, thép cuộn, ống bê tông, gạch... không được chằng buộc chắc chắn, để rơi xuống đường.

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ. Tập trung xử lý các vi phạm xếp hàng hóa trên xe ô tô ngay tại các đầu mối như cảng, bến, ga, mỏ vật liệu, kho hàng, nhà máy... Đồng thời yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá, lái xe ký cam kết thực hiện đúng các quy định về tải trọng phương tiện, xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Tại sao không đặt cuộn thép nằm (2 lỗ hướng lên trên và xuống dưới) khi vận chuyển mà lại đặt thẳng đứng (2 lỗ tròn hướng ra 2 bên)?

Trên thực tế, khi đặt cuộn thép đứng luôn tiềm ẩn nguy cơ cuộn thép bị lăn về phía trước/sau do quán tính hay lực li tâm (trong trường hợp dừng đột ngột hay ôm cua), tiềm ẩn nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu đặt cuộn thép nằm thì lại hạn chế được việc cuộn thép lăn xa khi xe gặp trục trặc trên đường hay trong quá trình vận chuyển.

Tuy nhiên, lí do cho việc đặt thép đứng khi vận chuyển phổ biến hơn là do đây là cách tối ưu giúp tiết kiệm được công sức và thời gian vận chuyển.

Xử lý như thế nào khi những cuộn thép khổng lồ rơi xuống đường gây tai nạn?- Ảnh 4.

Mặc dù có phương tiện chuyên chở thép cuộn nhưng các đơn vị vận tải ít sử dụng do ngại đầu tư và năng suất không cao. Chính vì vậy mà hình ảnh xe đầu kéo chở những cuộn thép nặng cả tấn nhưng cố định bằng 1 - 2 sợi xích sắt không đảm bảo an toàn lại trở nên phổ biến.

Việc đặt cuộn thép thẳng đứng không chỉ giúp cho việc vận chuyển từ xưởng sản xuất hay tại các tàu chở hàng lên xe trung chuyển mà còn thuận lợi trong khâu bốc dỡ cuộn thép xuống nên thường hay được sử dụng.

Ngay cả Cục An toàn vận tải Hoa Kỳ cũng có khuyến cáo một cách kỹ càng về việc vận chuyển những lõi thép nặng hàng chục tấn mà theo đó có cả 2 cách vận chuyển, đặt thẳng đứng và nằm ngang. Mỗi cách đều sẽ có ưu nhược điểm riêng và phụ thuộc vào lựa chọn của từng đơn vị vận chuyển, miễn sao là tuân thủ các quy tắc an toàn khi chằng buộc cuộn thép hay lót phía dưới cuộn thép…

Thực tế thì những vụ tai nạn không liên quan đến việc cho cuộn thép nằm ngang hay thẳng đứng mà là do việc không tuân thủ các quy tắc an toàn trong quá trình vận chuyển. Ví dụ như, đơn vị vận chuyển làm việc cẩu thả, tài xế lái xe quá tốc độ an toàn… Hoặc cũng có thể liên quan đến vấn đề khác do chằng buộc, gia cố, chèn cuộn thép, thậm chí là không tuân thủ trọng tải tối đa cho phép trên sàn xe.

Xem thêm video được quan tâm:

Phát hiện chi tiết lạ trong vụ xe khách rơi xuống vực ở Đà Nẵng khiến nhiều người thương vong.


Thành Long
Ý kiến của bạn