Ngày 16/5/2022, trên địa bàn huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn xảy ra sự việc một nhóm học sinh Trường THCS thị trấn Bằng Lũng đánh hội đồng em H., khiến nữ sinh này bị chấn thương sọ não. Sau phản ánh của Báo Sức khỏe & Đời sống, UBND tỉnh Bắc Kạn và Công an tỉnh đã chỉ đạo xử lý nghiêm sự việc.
Ngày 24/5, thông tin với phóng viên, ông Phạm Duy Hưng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Sau khi Báo phản ánh sự việc, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan Ban, ngành xử lý nghiêm hành vi vi phạm, bất kể là ai. Quan điểm rõ ràng, không dung túng, vấn đề này không xử lý nghiêm sẽ trở thành tiền lệ xấu cho sau này, ảnh hưởng đến trang lứa của các em và nền giáo dục của tỉnh Bắc Kạn”.
Cùng ngày, trao đổi với PV, Đại tá Hà Văn Tuyên - Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Sau phản ánh của Báo Sức khoẻ và Đời sống, Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm. Trước đó, sau khi sự việc xảy ra Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện tiến hành xác minh, điều tra và thu thập tài liệu, chứng cứ cơ bản đã làm rõ các đối tượng và hành vi vi phạm".
Liên quan đến sự việc, bà T. (bà ngoại cháu H.) cho biết: “Ngày 16/5, sau khi cháu bị nhóm bạn đánh, cháu L. (bạn em H., người mặc đồng phục can ngăn cũng bị đánh – PV) có gọi điện bảo H. bị đánh, tôi mới biết. Cháu về nhà tôi thấy chân, tay, cổ bầm tím, trầy xước, có biểu hiện đau đầu, chóng mặt và buồn nôn, đầu sưng lên. Ngày 17/5, cháu nôn, mệt và kêu đau đầu, gia đình đưa lên Bệnh viện huyện Chợ Đồn khám, chụp và truyền, nhưng đến chiếu vẫn thấy nôn nên được đề nghị chuyển ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Tại Bệnh viện huyện Chợ Đồn, bác sĩ chẩn đoán sợ tụ máu não”.
“Sau khi ra bệnh viện Bắc Kạn, bước đầu bác sĩ chẩn đoán là chấn thương não. Hiện sức khỏe cháu dần hồi phục lại, nhưng vẫn còn chóng mặt và mệt. Mấy hôm đầu cháu chẳng ăn uống được gì, chỉ nằm, ngồi một lúc là kêu mệt và đau. Phụ huynh của nhóm đánh cháu có đến hỏi thăm và ngỏ ý muốn giải quyết bằng tình cảm. Hôm cháu bị đánh, cháu C. (người đánh em H. – PV) có nhắn tin cho cháu H. nói là “xin lỗi do hiểu nhầm”, cháu C. cũng là người đứng đầu sự việc này. Nhà trường cho biết, hiện nhóm tham gia đánh cháu H. giờ đã kỷ luật và hạ hạnh kiểm” - bà T. thông tin thêm.
Thông tin từ gia đình, em H. là người dân tộc Tày mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 3 tuổi, cháu ở cùng bà ngoại. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà bà ngoại làm nghề nông, không có thu nhập chính, chỉ trông chờ vào vườn và ruộng nương. Em ở nhà ngoan hiền, và là lớp trưởng của lớp 8C, nhiều năm đạt học sinh giỏi, mỗi lần đi học về đều phụ giúp bà làm việc nhà và đồng áng.
Theo bà ngoại cháu kể với PV, hiện em H. đang không dám đi học, vì lo sợ nhóm đánh hôm trước bị nhà trường kỷ luật, bực tức nên tìm đến “trả thù". Vấn đề này, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe nghiêm trọng, cơ quan chức năng huyện Chợ Đồn và nhà trường nơi em H. học cần giám sát chặt chẽ, tránh sự việc đau lòng xảy ra.
Có thể xử lý hình sự hay không?
Liên quan đến sự việc, Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hoà nêu quan điểm: “Theo tài liệu PV cung cấp, thì em H. bị nhóm học sinh đánh đập liên tiếp vào người, vùng cổ và đầu – đều là những cơ quan trọng yếu của cơ thể. Hậu quả khiến em H. phải nhập viện, bác sĩ chẩn đoán bị chấn thương sọ não. Xét về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với một số tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại Điều này”.
Theo vị luật sư này: Sự việc, nên đợi khi có kết luận chính thức về tỉ lệ tổn thương cơ thể của em H. thì sẽ có thể xác định được hình phạt đối với nhóm học sinh trên. Tuy nhiên, nhìn chung với mức độ nguy hiểm của hành vi cùng với hậu quả rõ ràng, căn cứ theo quy định tại Điều 134, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, hình phạt có thể được áp dụng đối với nhóm học sinh trên có thể là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Và mức phạt cũng có thể lên cao nhất là phạt tù từ 07 năm đến 14 năm nếu em H có tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”.
Ngoài ra, có thể còn áp dụng điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe người khác “có tính chất côn đồ”. Điều này, thể hiện khá rõ nét khi mà bản chất xung đột bắt nguồn từ việc mâu thuẫn từ những lời nói hàng ngày, địa điểm đánh nhau cũng rất công khai và diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người qua đường. Khi bị đánh đập, em H. có van xin nhưng vẫn bị tấn công liên tục. Tất cả các em học sinh đều là con gái nhưng khi đánh đập em H., khiến cho em bị chấn thương sọ não, càng chứng tỏ sự hung hãn và côn đồ không kém gì những nam sinh đánh nhau chúng ta thường bắt gặp trên báo đài”- Luật sư Tùng nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục đưa ra gần đây nhất, trên toàn quốc, trong một năm học có khoảng gần 1600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường, cứ 11000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau,…