Hà Nội

Xử lý nghiêm việc tiêu thụ hàng hóa hết hạn sử dụng

25-04-2018 08:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo nguyên tắc, tất cả hàng hóa khi hết hạn sử dụng thì phải tiêu hủy, chỉ một số ít trường hợp có thể tái chế để sử dụng, tận dụng nhưng cũng phải theo quy trình hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Việc lưu thông, sử dụng sản phẩm, hàng hóa hết hạn, nhất là các loại thực phẩm, nước uống, mỹ phẩm… nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.

Các loại hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm đều quy định về thời hạn sử dụng rất rõ ràng, cụ thể và cần phải thu hồi, tiêu hủy khi hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, việc tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng là rất hiếm, ít cơ sở, cửa hàng buôn bán nào tự giác tiêu hủy. Vậy vấn đề đặt ra là số hàng hóa, sản phẩm đã hết hạn sử dụng đó đi đâu? Thực tế hiện nay, một số nhà phân phối, bán lẻ vẫn lén lút đưa ra thị trường tiêu thụ, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Minh chứng điều này là cơ quan chức năng liên tục phát hiện ra các hàng hóa hết hạn sử dụng vẫn được công khai bày bán.

Lực lượng chức năng kiểm kê hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng lậu, hàng giả trước khi đưa đi tiêu hủy.

Lực lượng chức năng kiểm kê hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng lậu, hàng giả trước khi đưa đi tiêu hủy.

Ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc tiêu hủy hàng hết hạn là việc làm thường xuyên, bình thường và thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối với người tiêu dùng, với đối tác và cả với đất nước. Tuy nhiên, ở nước ta, việc tiến hành tiêu hủy hàng hết hạn rất hiếm, rất ít. Phần lớn các vụ việc tiêu hủy là do cơ quan chức năng tiến hành sau khi tịch thu, xử lý vi phạm.

Trách nhiệm chính ở đây chủ yếu thuộc về nhiều phía gồm trước hết là các nhà phân phối, bán lẻ. Đó là nhiều nhà phân phối đã không làm tròn trách nhiệm của mình khi không thống kê, báo cáo và trả lại hàng hóa hết hạn sử dụng cho nhà sản xuất để tiêu hủy. Thậm chí có trường hợp có thống kê báo cáo, hoàn trả tiền nhưng vẫn cố tình đưa hàng hóa hết hạn ra thị trường tiêu thụ.

Về phía các doanh nghiệp, nhà sản xuất không quan tâm đến người tiêu dùng khi không nắm bắt tình hình phân phối, bán lẻ và kiên quyết thu hồi các sản phẩm, hàng hóa đã hết hạn sử dụng để tiêu hủy, tái chế. Một số nhà phân phối, bán lẻ cố ý đưa các sản phẩm hết hạn sử dụng ra thị trường tiêu thụ.

Đối với các cơ quan chức năng, chưa có biện pháp quyết liệt, hiệu quả để kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi mua bán hàng hết hạn.

Dưới khía cạnh nào đó, người tiêu dùng cũng có phần trách nhiệm khi chưa làm tròn bổn phận là chính người quyết định việc có mua sắm, tiêu thụ hàng hết hạn hay không với tư cách là người tiêu dùng thông minh, nắm bắt, hiểu biết về các loại hàng hóa trước khi quyết định tiêu thụ. Đồng thời, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp, nhà phân phối, bán lẻ cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý.


Vĩnh Linh
Ý kiến của bạn