Hà Nội

Xử lý nghiêm tình trạng lợn chết vứt bừa bãi

15-05-2019 08:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên nhiều tỉnh, thành. Mặc dù việc phòng chống dịch đã được triển khai quyết liệt nhưng càng về sau càng lúng túng.

Có những địa phương xuất hiện tình trạng người dân vứt lợn chết đầy bờ ruộng, góc mương, thả trôi sông... gây ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ khiến mầm bệnh càng có điều kiện phát tán rộng hơn, trầm trọng hơn. Thậm chí, có hiện tượng buông lỏng... của chính quyền và cán bộ thú y ở một số địa phương.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Nhiều câu hỏi đặt ra: Đến thời điểm này, có bao nhiêu con lợn bị nhiễm bệnh và bị tiêu hủy? Công tác dập dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại các địa phương có thêm biện pháp mới không? Tại sao để tình trạng lợn chết vứt tràn lan không có kiểm soát?... Đây đang là thực trạng đáng báo động bởi việc tiêu hủy không đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt nguy cơ phán tán dịch bệnh trên đàn gia súc tăng cao. Do đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền và có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý nghiêm những người thiếu ý thức vứt lợn chết bừa bãi.

Tình trạng người dân vứt xác lợn chết bừa bãi, nguy cơ khiến mầm bệnh có điều kiện lan rộng, khó kiểm soát.

Tình trạng người dân vứt xác lợn chết bừa bãi, nguy cơ khiến mầm bệnh có điều kiện lan rộng, khó kiểm soát.

Tại Hội nghị trực tuyến với 63 địa phương nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP được tổ chức tại Hà Nội sáng 13/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, phòng chống DTLCP phải được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, một số địa phương chưa chủ động tổ chức giám sát, nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh chưa chính xác, kịp thời, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo phòng chống dịch. Xác lợn chết do DTLCP thả trôi trên kênh, chỉ trong vòng vài tiếng, người dân trục vớt được 3-4 tấn. Có nơi người dân chôn lợn chết ở gần nguồn nước hoặc chôn rồi lại đào lên di chuyển đến nơi khác. Thậm chí một số nơi còn chủ quan, coi nhẹ trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đây là hiện tượng hết sức nguy hiểm. Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương mà báo chí phản ánh tình trạng này cần rà soát, kiểm tra lại ngay và xử lý nghiêm những vi phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng đó.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay sẽ gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp, môi trường và đời sống của người dân. Trong khi đó, do hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao. Đồng thời nhấn mạnh, phải xác định cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác phòng chống dịch; đồng thời, phải bảo vệ được sản xuất, bảo vệ ngành chăn nuôi nước ta.

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng vứt lợn chết bừa bãi

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận thực tế hiện nay, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, khả năng tái bệnh và lây lan còn rất cao. Trong khi nhiều địa phương đã rất tích cực, song một số địa phương còn chưa chủ động, quyết liệt, thậm chí là coi nhẹ công tác phòng chống dịch. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng một bộ phận người chăn nuôi vứt lợn bị chết ra ao hồ, sông ngòi mà báo chí, mạng xã hội phản ánh gần đây. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị, nếu nơi nào lơ là, để xảy ra tình trạng người dân vứt lợn chết bừa bãi ra môi trường thì lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Cùng với đề nghị các bộ ban ngành, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ hơn nữa các giải pháp phòng chống, đặc biệt là khống chế dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần xác định phòng, chống DTLCP là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, các bộ phối hợp hoàn thiện dự thảo chỉ thị về việc tập trung các giải pháp phòng chống dịch trong tình hình mới. Phải siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Hỗ trợ kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Sẵn sàng ứng phó, xử lý ổ dịch nhanh gọn, triệt để theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ về thú y quốc tế - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, yêu cầu Bộ NN&PTNT và các địa phương, nghiên cứu tái cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi, tìm các sản phẩm bù đắp, thay thế, phục vụ đời sống người dân và sản xuất; các doanh nghiệp đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 12/5/2019, DTLCP đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước). Đáng chú ý, đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh, gần đây nhất là tại tỉnh Bắc Kạn.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn