Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật

09-04-2013 2:00 PM | Tin nóng y tế

Năm 2012, số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước giảm 20,7% so với năm 2011.

Năm 2012, số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước giảm 20,7% so với năm 2011. Tuy nhiên, số người mắc ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể (BATT) so với tổng số mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn ở mức cao. Vì thế, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm nay được triển khai với chủ đề “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể”. Nhân Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2013 do Bộ Y tế phát động, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về chủ đề này.

PV: Thưa Bộ trưởng, vì sao Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2013 có chủ đề “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể”?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Vấn đề an toàn thực phẩm tại các BATT ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, nơi ăn uống tập trung đông người là vấn đề được quan tâm rất nhiều trong năm 2012 và đặc biệt là năm 2013. Những năm gần đây, mặc dù tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại các BATT trong các khu công nghiệp đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, số người mắc NĐTP tại các BATT so với tổng số mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn ở mức cao: 2.318 người/5.541 người bị NĐTP (chiếm 41,8%). Các vụ NĐTP có nhiều người mắc vẫn thường xảy ra ở các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai...

Nhằm hạn chế tối đa NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm, trọng tâm tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, hạn chế NĐTP tại các khu công nghiệp có BATT, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ chủ đề Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2013 là “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể”.

Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật 1
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: TM
 

PV:

Những hoạt động chính sẽ được triển khai thực hiện trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm nay là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hai hoạt động chính được triển khai trong Tháng hành động năm 2013 là đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục và hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Chỉ tiêu đặt ra là trên 80% chủ doanh nghiệp có BATT đông người ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong tháng hành động này.

Trong tháng cao điểm này, Bộ Y tế sẽ huy động tối đa các kênh truyền thông, tập trung truyền thông thay đổi hành vi, nâng cao trách nhiệm của không chỉ những người kinh doanh thực phẩm mà cần phát huy quyền và trách nhiệm của người sử dụng thực phẩm trong việc kiên quyết tẩy chay và không sử dụng thực phẩm ở cơ sở không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bày bán gần cống, rãnh, gần khu vực ô nhiễm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương đã thành lập 8 đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra tại 24 tỉnh thành phố trọng điểm. Đồng thời, các tỉnh, thành phố cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ở địa phương từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã phường. Bộ yêu cầu thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các nội dung: nguồn gốc và chất lượng nguyên liệu đầu vào, vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ trong sản xuất chế biến, việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất thực phẩm. Các đoàn thanh tra sẽ tiến hành lấy mẫu để phân tích, sau đó thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở vi phạm.

Mở đầu cho chiến dịch triển khai Tháng hành động năm 2013 trên phạm vi cả nước, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Lễ phát động tháng hành động của Trung ương vào ngày 9/4/2013 tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật 2
 Vấn đề ATVSTP ở các bếp ăn tập thể cần được chú trọng. Ảnh: PV

PV:

Mặc dù các cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực, nhưng nguy cơ mất ATVSTP tại các BATT cho công nhân vẫn còn rất lớn. Vậy theo Bộ trưởng đâu là nguyên nhân và chúng ta cần làm thế nào để hạn chế được tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng ta đã có được những kết quả bước đầu rất quan trọng trong việc hạn chế NĐTP tại các nhà ăn, bếp ăn tập thể. Ví dụ, năm 2011 trở về trước, NĐTP do histamin từ cá ngừ, cá nục diễn ra khá phổ biến, có vụ hàng trăm người mắc, nguyên nhân do chủ cơ sở ham rẻ nên mua cá kém chất lượng dẫn đến NĐTP.

Bộ Y tế đã tiến hành chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ ngay từ nơi cung cấp nguyên liệu, chợ nên tình hình đã được cải thiện. Tuy nhiên, qua triển khai thực tế, chúng tôi thấy nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại những khu vực này còn rất cao do nhiều nguyên nhân.

Trước tiên, vì giá trị bữa ăn của công nhân hiện nay quá thấp, có nơi giá chỉ khoảng 7.000 - 10.000 đồng (chưa kể lợi nhuận của nhà cung cấp) nên rất khó để có nguyên liệu chế biến bảo đảm chất lượng cũng như hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, nhiều chủ cơ sở sử dụng số lượng công nhân rất lớn nhưng không tổ chức nhà ăn và BATT trong nhà máy, họ ký hợp đồng với cơ sở nấu ăn ở nơi khác và vận chuyển đến. Do vậy, nhiều khi thời gian vận chuyển dài, dụng cụ vận chuyển và phương tiện bảo quản... không đảm bảo, làm ô nhiễm thực phẩm.

Để hạn chế tình trạng trên, trước mắt chúng tôi đã chỉ đạo ngành y tế các cấp phải thực hiện phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các khu công nghiệp để giám sát điều kiện vệ sinh, nguồn nguyên liệu chế biến tại các nhà ăn, bếp ăn tập thể, yêu cầu chủ các công ty chỉ được sử dụng suất ăn của các cơ sở có đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có cam kết thực hiện đầy đủ yêu cầu ATVSTP mới cung cấp suất ăn cho công nhân của mình.

Đồng thời, các ngành cần tuyên truyền rõ để các doanh nghiệp thấy rằng sức khỏe của người lao động chính là tài sản, là lợi nhuận của doanh nghiệp để họ chủ động nâng cao giá trị dinh dưỡng và hợp vệ sinh của từng bữa ăn cho công nhân. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai... để khuyến khích các nhà máy có nhiều công nhân xây dựng BATT tại ngay trong nhà máy.

Đặc biệt, các cơ sở nhà ăn, BATT cung cấp suất ăn sẵn để xảy ra liên tiếp các vụ NĐTP cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!           

Cục ATTP (thực hiện)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH