Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 2/2023, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tài xế vi phạm nồng độ cồn, chống đối lực lượng CSGT.
Mới đây nhất, Đội CSGT - TT Công an TP Hòa Bình đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định xử phạt số tiền 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng đối với lái xe Đỗ Đình Tám (SN 1957, trú tại xóm Máy 2, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình).
Trước đó, tài xế này đã bị khởi tố tội "chống người thi hành công vụ" vì không chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra thậm chí còn quay đầu, cố tình tăng ga đâm thẳng vào môtô tuần tra của tổ công tác, gây thương tích cho 2 cán bộ CSGT.
Một tài xế U70 khác cũng vừa bị khởi tố về tội "Chống người thi hành công vụ" do trốn kiểm tra nồng độ cồn, hất CSGT lên capo ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Người này vi phạm ở mức 0,312 mg/l khí thở (mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100 là 0,4 mg/l khí thở).
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian tới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với các vụ việc chống đối, lăng mạ, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng củng cố hồ sơ cương quyết xử lý bằng pháp luật hành chính hoặc hình sự để răn đe người tham gia giao thông về thượng tôn pháp luật và không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, luật sư Vũ Ngọc Dũng (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) phân tích: Trong trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ, nặng có thể phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Nếu chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ như: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
"Hành vi lái xe khi đã uống rượu bia rồi chống đối người thi hành công vụ trong thời gian gần đây, gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Do đó cần xử lý thật đích đáng mới đủ giáo dục, răn đe người vi phạm.
Đây không đơn thuần là thiếu văn hóa giao thông mà là ý thức không tuân thủ, coi thường pháp luật của người vi phạm", luật sư Dũng nói.
Đặc biệt, vị luật sư nhấn mạnh, trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết người thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Chương XIV Bộ luật Hình sự, trong đó quy định rõ các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Với cá nhân có hành vi cản trở dùng lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ phải áp dụng biện pháp buộc xin lỗi công khai theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo chuyên gia này, phòng ngừa tác hại rượu bia hiệu quả ngoài chế tài xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm, cần xây dựng và thực hiện đồng bộ chính sách hiệu quả, gồm kiểm soát sự sẵn có của rượu bia, giờ bán, điểm bán kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ. Cùng với đó, cần xem xét tăng giá và kiểm soát nghiêm ngặt rượu bia lậu; các loại quảng cáo, khuyến mại và tài trợ.
Xem thêm video:
Cận Cảnh Clip Tài Xế Trốn Kiểm Tra Nồng Độ Cồn, Hất CSGT Lên Capo, Phóng Đi Như Bay