Chuẩn bị Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 1, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm để thông báo nội dung, chương trình kỳ họp và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Cử tri kiến nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về ATVSTP
Tại buổi tiếp xúc, cử tri hoan nghênh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ trong thời gian qua khá quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tuy nhiên cần tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các cấp chính quyền địa phương, tránh tình trạng nói mà không làm, có chỉ đạo nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP. Hà Nội.
Nhiều cử tri hoan nghênh và tin tưởng vào quyết tâm của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lắng nghe ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác xử lý kỷ luật cán bộ vừa qua cho thấy không có “vùng cấm”, không phân biệt cấp bậc, chức vụ. Tuy nhiên, cử tri cho rằng, mức xử lý kỷ luật phải thật nghiêm mới đủ sức răn đe. Nêu lên tình trạng bổ nhiệm cán bộ một cách “ồ ạt” dẫn đến thừa cán bộ ở một số nơi, gây bức xúc trong nhân dân, cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước có cơ chế thu hút, trọng dụng người tài, tránh tình trạng chỉ bổ nhiệm người thân.
Cùng đó, cử tri kiến nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi đây là vấn đề hệ trọng, hậu quả gây ra cho xã hội rất lớn, nhiều vụ bị phát hiện nhưng xử lý chưa nghiêm. Các vụ lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em, không chỉ gây hậu quả lâu dài và nặng nề đối với nạn nhân là trẻ em gái, mà còn làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội và truyền thống đạo lý của dân tộc; cần phải trừng trị nghiêm khắc đối tượng phạm tội, bảo đảm tính răn đe. Ngoài ra, cử tri cũng nêu nhiều vấn đề dư luận quan tâm như: nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật; giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên; quản lý và sử dụng quỹ đất, quản lý trật tự đô thị...
Quyết tâm xử lý tham nhũng, tiêu cực
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, công tác phòng chống tham nhũng đã có nhiều tiến bộ. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo khởi tố 9 vụ án với 64 bị can, tiếp tục điều tra bổ sung 11 vụ với 169 bị can, xét xử sơ thẩm 9 vụ với 125 bị cáo, tuyên phạt 2 án tử hình, 4 án chung thân, 5 bị cáo 30 năm tù và 99 bị cáo dưới 30 năm tù; xét xử phúc thẩm 8 vụ án với 79 bị cáo, tuyên án tử hình 2 bị cáo, chung thân 4 bị cáo, 30 năm tù 2 bị cáo.
Chia sẻ với ý kiến cử tri cho rằng kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua còn chưa đạt so với yêu cầu, mong muốn, cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, Tổng Bí thư cho rằng: “Còn nhiều việc phải làm. Đây là cuộc đấu tranh gian khổ, phải kiên trì, kiên quyết. Quyết tâm cao nhưng luật chưa có, sửa ra sao, khung hình phạt thế nào, kỷ luật Đảng cũng có mức; mong muốn phải nghiêm hơn, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật... Luật pháp, chính sách của chúng ta rất nhân văn, đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại, nhưng như thế không có nghĩa là không nghiêm. Làm phải rất nghiêm, đúng luật pháp, đúng tinh thần dân tộc, nhân ái nhân văn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Xung quanh vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên sai phạm, Tổng Bí thư cho biết đây là xử lý về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng. Sau Hội nghị Trung ương vừa qua, dư luận nhìn chung là tốt. Tuy nhiên, cần cảnh giác trước những thông tin có tính kích động, cho rằng thế này là nặng, thế này là nhẹ, phe này đánh phe kia, đấu đá nội bộ... Trung ương đã xem xét hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng; sắp tới còn làm tiếp, theo luật pháp, lương tâm, trách nhiệm, đạo đức. Đối với trường hợp kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, lần đầu tiên chúng ta xử lý một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị liên quan đến quản lý kinh tế. Đây là kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về mặt chính quyền đang tiếp tục xử lý, các cơ quan có trách nhiệm vẫn đang tiếp tục thực hiện.
Tổng Bí thư cũng ghi nhận, tiếp thu ý kiến của nhiều cử tri về một số vấn đề bức xúc như biện pháp giải cứu nông sản, tránh khủng hoảng thừa như thịt lợn, cao su, thanh long... làm sao phải căn cơ, có kế hoạch, quy hoạch bài bản. Nhiều cử tri đã đóng góp ý kiến cụ thể, sát thực về công tác giữ gìn môi trường; cơ cấu lại
doanh nghiệp nhà nước; vấn đề nợ xấu, nợ công... Tổng Bí thư mong muốn cử tri và nhân dân Thủ đô Anh hùng luôn phát huy truyền thống vẻ vang, đồng tâm nhất trí, vượt khó vươn lên xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.