Xử lý nghiêm sai phạm tại các phòng khám Đông y

09-11-2009 14:05 | Thời sự
google news

Trước thực trạng các phòng khám y học cổ truyền (YHCT) có thầy thuốc Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh đã và đang quảng cáo chữa được bách bệnh mà không đăng ký

Trước thực trạng các phòng khám y học cổ truyền (YHCT) có thầy thuốc Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh đã và đang quảng cáo chữa được bách bệnh mà không đăng ký hoặc không đúng với nội dung đã được Bộ Y tế phê duyệt, dẫn đến sự hiểu nhầm của người bệnh, chiều ngày 6/11, các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Y tế là Thanh tra Bộ và Vụ Y dược học cổ truyền đã có hai văn bản khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động của các phòng khám này, tập trung rà soát và chấn chỉnh công tác xét duyệt cấp giấy phép hành nghề YHCT tại địa phương...

Đơn thuốc ghi bằng tiếng Trung không có tiếng Việt kèm theo của phòng khám Trường Giang, Trung Quốc. Ảnh: Trần Minh

5 triệu/1đợt điều trị chữa viêm mũi dị ứng

Trong vai người bị viêm mũi dị ứng, phóng viên báo SK&ĐS thâm nhập phòng khám Trường Giang Trung Quốc, số 709 đường Giải Phóng, Hà Nội vì qua quảng cáo thì phòng khám này có thể chữa được bách bệnh từ sinh lý nam giới, tai mũi họng, cao huyết áp, đau đầu mất ngủ, dạ dày đại tràng, trĩ nội trĩ ngoại, viêm gan B, ngoài da, phụ khoa... thậm chí cả tai biến mạch máu não và đái tháo đường... Mất 15 phút chờ đợi, chúng tôi đã đăng ký được số khám thứ tự 42 tại bộ phận đón tiếp của phòng khám và nộp lệ phí 40.000đ. Khoảng 15 phút chờ đợi tiếp, phóng viên đã được gọi vào khám. Tại phòng khám này, bác sĩ người Trung Quốc sau khi hỏi triệu chứng và soi vội vàng cổ họng của phóng viên và kết luận là (thông qua phiên dịch): bạn bị viêm họng đỏ, sưng to ở họng, nếu không chữa nhanh sẽ ảnh hưởng đến tai, mũi dẫn đến thành bệnh mãn tính. Ngay sau đó, bác sĩ này nói luôn "tôi sẽ kê thuốc cho bạn, chỉ uống các thuốc này sẽ khỏi ngay". Và, không chờ chúng tôi hỏi giá, bác sĩ đã nói luôn khung giá các đơn thuốc với các mức từ 2 triệu - 4 triệu/đợt điều trị 10 ngày, kèm theo 2 mũi thuốc giải độc, giá 1 triệu/1 mũi. Thấy tôi thắc mắc vì sao đắt thế, bác sĩ này cho biết "thuốc tốt thì phải đắt. Thuốc càng có giá bán đắt thì chất lượng càng tốt và bệnh của bạn càng khỏi lâu!" và để thuyết phục, bác sĩ này bồi thêm "nếu bạn chưa có đủ tiền thì tôi sẽ kê đơn điều trị cho bạn trong 5 ngày, sau đó có tiền bạn quay lại mua thuốc tiếp". Nhưng khi tôi thắc mắc vì sao phải nhỏ thuốc giải độc, thì bác sĩ này nói ngay "phải kết hợp cả thuốc uống và thuốc giải độc trực tiếp vào mũi mới khỏi bệnh được, vì hai loại này bổ trợ cho nhau!".

Cũng là bệnh nhân ở phòng khám này, anh V. H. Đ., ở Linh Đàm, Hà Nội chỉ bị viêm mũi dị ứng nhưng đã phải bỏ ra 5 triệu đồng, trong có 4 triệu tiền thuốc và 1 triệu một mũi thuốc giải độc (nhỏ trực tiếp vào mũi) cho một đợt điều trị 10 ngày. Kể với chúng tôi, anh Đ. cho biết, sau khi kê đơn thuốc với trị giá tiền như trên, bác sĩ đã nói thêm "Đây chỉ là một đợt điều trị, muốn khỏi viêm mũi phải điều trị thêm 10 ngày nữa và nếu muốn khỏi hẳn hoàn toàn thì phải điều trị thêm 5 ngày nữa". Như vậy nhẩm tính, chỉ với căn bệnh viêm mũi dị ứng, nhưng nếu để khỏi bệnh theo như bác sĩ của phòng khám này thì anh Đ. sẽ phải mất 12 triệu đồng. Trong khi theo các thầy thuốc Tây y thì căn bệnh viêm mũi dị ứng là do cơ địa và sẽ xuất hiện khi thay đổi thời tiết. Do đó, để giảm các dấu hiệu khó chịu do căn bệnh này thì nên dùng các thuốc xịt trực tiếp hoặc uống các thuốc kháng histamine. Theo giá bán trên thị trường thì các thuốc tây y, tuỳ theo đơn điều trị, nhưng chắc chắn giá một đợt điều trị sẽ không thể lên đến 5 triệu đồng. Và, đây là căn bệnh mạn tính do cơ địa dị ứng với thời tiết nên khó có thể chữa khỏi hẳn!

Tại phòng khám chẩn trị YHCT Việt Trung ở 259 Kim Mã mới khai trương cũng trưng biển quảng cáo các bệnh có thể điều trị khỏi từ khớp đến thận, sinh lý, bệnh xã hội, mất nhủ, đau đầu, chóng mặt... đến hiếm muộn! Tuy nhiên ở phòng khám này, ngay cả tên bác sĩ phụ trách phòng khám cũng đều chưa có, rồi cả giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề YHCT cũng chưa có nhưng ông bác sĩ người Việt Nam khi nghe tôi muốn chữa bệnh viêm đại tràng mãn tính đã giới thiệu rất hay: bệnh viêm đại tràng mạn tính chữa dễ, chỉ mất một tháng là khỏi. Rồi ông bác sĩ này chê thuốc Tây y toàn kháng sinh tống vào người không tốt, Đông y dùng an toàn và hiệu quả.

Xử lý nghiêm những vi phạm trong hành nghề KCB bằng YHCT

       Liên quan đến các phòng khám Đông y có thầy thuốc Trung Quốc KCB, hai văn bản của Bộ Y tế ban hành chiều ngày 6/11 gửi Sở Y tế các địa phương đã yêu cầu tăng cường thanh kiểm tra hoạt động KCB bằng YHCT, trong đó tập trung vào những nội dung như hồ sơ pháp lý hoạt động của cơ sở, bằng cấp chuyên môn của thầy thuốc nước ngoài, nội dung quảng cáo, việc niêm yết giá thuốc, giá dịch vụ KCB... và xử lý nghiêm những vi phạm trong công tác KCB bằng YHCT.

Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS sáng ngày 6/11, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, hiện nay theo báo cáo của Sở Y tế các địa phương, cả nước có 64 bác sĩ Trung Quốc đang tham gia hành nghề KCB bằng YHCT tại 54 cơ sở YHCT tại Việt Nam. Trong đó, trên địa bàn Hà Nội có 23 người hành nghề tại 21 cơ sở thuộc 13 công ty (trong đó có 2 doanh nghiệp là chi nhánh của cơ sở đầu tư 100% vốn nước ngoài có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh).

Cũng theo ông Sơn hiện nay, phòng khám chẩn trị YHCT có bác sĩ Trung Quốc hành nghề đang quảng cáo chữa được nhiều bệnh đang mọc lên như nấm. Hiện tại, chưa có thống kê hiệu quả của các phòng khám này ra sao nhưng đã có vấn đề trong việc quảng cáo. Họ quảng cáo là phòng khám đông y Trung Quốc nhưng thực tế là phòng chẩn trị YHCT có thuê thầy thuốc người Trung Quốc hành nghề. Do đó, trước thực trạng này, chiều ngày 5/11. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã có văn bản gửi Bộ Thông tin truyền thông đề nghị chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành về quảng cáo trong lĩnh vực y tế và chỉ đăng tải những nội dung quảng cáo đã được Bộ Y tế chấp thuận.

Về vấn đề phòng khám Trường Giang, Trung Quốc kê đơn cho bệnh nhân bằng tiếng Trung, không có tiếng Việt kèm theo, ông Sơn cho rằng, việc làm này đã vi phạm những quy định trong Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp lệnh này. Vì các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này đã ghi rõ, nếu ghi đơn thuốc bằng tiếng nước ngoài thì đơn thuốc phải được dịch ra tiếng Việt kèm theo để bệnh nhân tránh những sai sót trong quá trình sử dụng thuốc.

Thái Bình


Ý kiến của bạn