Theo Bộ GTVT, hiện nay, nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải đường bộ của người dân đang ngày càng tăng cao, đặc biệt là khi các trường tổ chức học tập trực tiếp ở tất cả các cấp học, các hoạt động kinh doanh, du lịch trở lại bình thường sau thời gian phòng, chống dịch. UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan triển khai các loại hình kinh doanh vận tải (xe buýt, taxi, xe du lịch, xe hợp đồng, tuyến cố định) để kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên qua phản ảnh của thông tin báo chí, đã có hiện tượng đối phó với các quy định về kinh doanh vận tải nhằm tránh né việc phát hiện vi phạm (tắt thiết bị giám sát hành trình, che màn hình thiết bị camera lắp trên xe ô tô...).
Để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 48 ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên các xe ô tô kinh doanh vận tải, đảm bảo kết nối, sử dụng cho các cơ quan chức năng.
Đối với các Sở GTVT cần rà soát, kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải chưa thực hiện lắp đặt camera cho phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định của Chính phủ; tăng cường kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải tại các bến xe, cảng hàng không, ga đường sắt, bến tàu, trạm dừng nghỉ. Cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng ngành công an, tăng cường kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các vi phạm như tắt thiết bị giám sát hành trình, che màn hình camera lắp trên xe ô tô kinh doanh...
Phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải để phát hiện các vi phạm và xử lý kịp thời theo đúng quy định.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thông tin, hiện vẫn còn nhiều chủ xe, lái xe chưa thực hiện lắp camera giám sát theo quy định. Cùng đó, đáng lưu ý thời gian qua phổ biến tình trạng chủ xe, lái xe dùng vải, khẩu trang… để bịt camera. Thậm chí, có trường hợp còn ngắt hẳn dây nguồn ra khỏi thiết bị.
Mới đây, một số tài khoản Facebook đăng các hình ảnh camera lắp trong xe khách được bịt, cột thắt bằng các khẩu trang y tế để ngăn camera ghi và truyền hình ảnh về trung tâm xử lý hình ảnh của cơ quan quản lý.
Nhiều lái xe khác cũng chia sẻ về cách "lách luật" và đăng các hình ảnh camera được lắp trên xe bị bịt lại bằng giấy, băng dán.
Trong các hội nhóm của lái xe cũng có nhiều tài xế khác đăng bài, chỉ cho nhau cách đối phó bằng cách che, bịt kín mắt camera hành trình bằng bìa các tông, băng dán tối màu, lắp công tắc nguồn "khi nào kiểm tra thì bật" hoặc tháo luôn dây nguồn.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với phương tiện kinh doanh vận tải không lắp hoặc lắp nhưng không hoạt động, lực lượng CSGT có thẩm quyền xử lý.
Cụ thể, Nghị định 100/2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 5 – 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 đến 12 triệu đồng đối với tổ chức nếu sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera, có lắp nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông; không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.