Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bạc Liêu đang xem xét kỷ luật một hộ lý nhận tiền của người nhà bệnh nhân. Vụ việc này đang thu hút sự chú ý của dư luận. Phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn BS. Trần Văn Khánh, Giám đốc BVĐK tỉnh Bạc Liêu để làm rõ hơn vấn đề này.
BS. Trần Văn Khánh |
PV: Được biết, BV đang xem xét hình thức kỷ luật đối với cán bộ y tế nhận phong bì của bệnh nhân, việc cấm nhận phong bì trong nhân viên y tế của BV được thực hiện như thế nào?
BS. Trần Văn Khánh: Ngay từ khi phát hiện có tình trạng nhận phong bì diễn ra trong một số khoa phòng của BV, Ban Giám đốc BV đã phát động phong trào không nhận phong bì trong cán bộ công chức của BV. Quan điểm của lãnh đạo BV là xử lý triệt để các trường hợp nhận phong bì của nhân viên y tế. Kiên quyết xử lý các vi phạm, không nương nhẹ bất kỳ ai. Để giám sát cán bộ của mình, BV cử một số người bí mật quan sát theo dõi, phát hiện và nắm tình hình. BV có đường dây nóng nhận phản ánh và tiếp nhận 24/24 giờ. Bên cạnh đó, trên loa truyền thanh nội bộ của BV chúng tôi đưa ra khuyến cáo người nhà bệnh nhân không được đưa phòng bì cho cán bộ y tế.
PV: Ông có thể cho biết hướng xử lý đối với hộ lý nhận phòng bì của người nhà bệnh nhân vừa rồi?
BS. Trần Văn Khánh: Về trường hợp hộ lý này, trước đây, khoảng tháng 2/2013, BV đã phát hiện nhân viên này nhận phong bì của người nhà bệnh nhân. BV đã tiến hành xử lý và cắt thi đua 3 tháng, vì lỗi vi phạm lần đầu. Tuy nhiên vừa qua, chỉ sau khi thực hiện hình thức kỷ luật được 3 tháng, hộ lý này lại tái phạm là tiếp tục nhận phong bì của người nhà bệnh nhân. Đó là vào đêm hộ lý này trực và chuyển bệnh nhân đi mổ. Sau khi nhận được phản ánh của người nhà bệnh nhân. Ngay lập tức, BV đã cử người xuống xác minh và phát hiện trong túi của hộ lý này vẫn còn phong bì của người nhà bệnh nhân. Có thể khẳng định, đây là lỗi vi phạm nghiêm trọng y đức của BV. Mức kỷ luật như thế nào thì Hội đồng kỷ luật BV sẽ họp và quyết định. Tuy nhiên, trường hợp này lại tái phạm hai lần với thời gian rất gần. Theo quan điểm của tôi, sẽ buộc thôi việc nhân viên này. Cần phải nhìn nhận việc nhận phong bì một cách khách quan và cả hai phía. Đương nhiên, phía BV cần chủ động ngăn ngừa và giáo dục gắn với giáo dục y đức và việc học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ nhân viên y tế. BV đã có nhiều buổi nói chuyện, giáo dục tư tưởng với cán bộ công chức trong toàn viện. Mặt khác, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân cần giúp đỡ cán bộ y tế hoàn thành nhiệm vụ bằng cách không đưa phòng bì cho cán bộ y tế.
PV: Thời gian tới, BV có hướng như thế nào để phục vụ khám chữa bệnh tốt hơn nhằm giảm thiểu tiêu cực?Và khi thực hiện phong trào này, ông có chịu áp lực nào không?
BS. Trần Văn Khánh: Để khắc phục việc chờ đợi lâu của người bệnh, chúng tôi đã tăng cường thêm 6 bàn tiếp đón, tăng số lượng phòng khám. Trong đó, chúng tôi ưu tiên phân luồng hai phòng khám dành riêng cho người cao tuổi và người khuyết tật. Tại đó cũng có có bàn tiếp đón riêng. Bên cạnh đó, BV đang triển khai đón tiếp bệnh nhân bằng mã vạch. Theo kế hoạch, chậm nhất là đến tháng 12 này chúng tôi sẽ triển khai kỹ thuật tiên tiến, sẽ giảm đáng kể thời gian chờ đợi của người bệnh, đồng thời tăng cường giám sát cán bộ y tế. Nói về áp lực, tôi chỉ có lo lắng nếu không làm tốt nhân dân sẽ quay lưng lại với BV nói chung và cán bộ y tế nói riêng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hồng (thực hiện)