Nhao nhao mua đất theo thông tin dự án
Từ đầu năm đến nay, sốt đất nền là chủ đề bàn tán của những nhà đầu tư và cả người dân có đất tại các phường vùng ven của quận 9, TP.HCM. Nhiều nhà đầu tư đổ xô về 2 phường Long Thạnh Mỹ và Long Bình (quận 9) gom đất, đẩy giá đất trong khu vực tăng cao hơn cả thời điểm sốt đất năm 2017. Giá khu nào đang tăng, đường nào cần chốt nhanh, chỗ nào có thể kiếm thêm 3-4 giá sau vài tháng… là câu chuyện của dòng người chờ đến lượt làm thủ tục về đất đai tại quận 9. Người mua bán đất đổ xô đi đăng ký thủ tục khiến điểm tiếp nhận hồ sơ của quận này bị quá tải suốt thời gian qua. Nhiều “tay to” buôn đất khẳng định từ năm 2017 đến nay, đất tại các vùng ven của quận 9 chưa bao giờ hết sốt. Năm nay, giá sẽ còn tăng mạnh vì Dự án Thành phố xanh hơn 300ha của một doanh nghiệp lớn trải rộng tại 2 phường Long Thạnh Mỹ và Long Bình sẽ mở bán vào tháng 6 tới. Các điểm sốt đất năm ngoái như dọc đường Lã Xuân Oai, Lò Lu (phường Trường Thạnh) sẽ không còn cơ hội nữa, vì các dự án xung quanh đã đầu tư ổn định, giá cũng tăng rất cao.
Khảo sát tình hình đất nền quận 9 cho thấy so với tháng 3/2017, thời điểm bắt đầu bùng lên cơn sốt đất nền tại vùng ven TP.HCM, trong đó có quận 9, giá đất hiện tại cao hơn 13,19%. Còn nếu so với tháng 1/2018, giá đất đã tăng khoảng 8% chỉ trong 2 tháng. Mức giá trung bình khoảng là 38,86 triệu đồng/m2. Phường có giá đất cao nhất tại quận này là Hiệp Phú với trên 53,35 triệu đồng/m2. Phường Long Phước có giá trung bình thấp nhất, khoảng 18,76 triệu đồng/m2. Cạnh khu vực sốt đất còn có những dự án lớn đã san lấp vẫn vắng khách giao dịch, những khu biệt thự bỏ hoang.
Đáng chú ý, tình trạng biến động giá đất mạnh chỉ diễn ra tại các phường khá xa khu trung tâm. Trong đó, Long Bình là phường có mức giá biến động mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Nếu so với tháng 1/2018, giá đất tại phường này đã tăng đến 30,67%.
Tiếp sau đó là phường Tân Phú với mức giá tăng hơn 14,5%. Cũng theo khảo sát, giá đất tại quận 9 biến động lớn theo từng tuyến đường. Một số tuyến đường lại có giá giảm rất mạnh so với thời điểm sốt đất năm 2017. Điều đó cho thấy, rủi ro trong đầu tư đất nền ở những nơi đang sốt nóng là rất cao.
Sở Xây dựng TP.HCM muốn xử lý các đối tượng tung tin ảo gây sốt đất
Ngày 2/5, ông Phạm Đăng Hồ - Phó trưởng Phòng phát triển nhà (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt đất ở các vùng ven quận 2, quận 9 là do trên các địa bàn quận 2, quận 9 đang tập trung đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông: hạ tầng như nút giao Mỹ Thủy, nâng cấp các tuyến đường như Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Cư Trinh, tuyến đường sắt đô thị.... khiến đất ở đây tăng giá. Ngoài ra, TP.HCM đã có chủ trương xây dựng khu đô thị sáng tạo ở khu Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức cũng là lý do tạo sốt đất. Cùng với đó là tâm lý của người dân muốn đầu tư đất nền do ảnh hưởng vụ cháy chung cư Carina trong tháng 3. Ngoài các yếu tố trên, đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh, việc có một số đối tượng tung tin đẩy giá khiến tâm lý đám đông đổ xô mua đất nền gây cơn sốt giá đất thời gian qua.
Để giải quyết tình trạng này, Sở Xây dựng cho biết sẽ đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý đối tượng tung tin giá đất. Đồng thời, thành phố sẽ công khai minh bạch tiến độ đầu tư hạ tầng, các dự án mới... để người dân nắm bắt, tránh nghe những thông tin sai lệch.
Trước đó, lãnh đạo TP.HCM đã cảnh báo tình trạng tăng giá đất ảo và có hiện tượng nhiều đối tượng “tiếp tay” để tăng giá đất giống như một hình thức đa cấp. Bằng nhiều hình thức tác động, các đối tượng đã đưa ra những thông tin sai lệch, không đúng làm giá đất TP.HCM tăng. Cuối cùng, giá đất thực như thế nào không ai biết. Hậu quả sau cùng là người dân lãnh đủ.
Từ nay đến khi các dự án tại các vùng ven quận 2 và quận 9 được thực hiện không phải là gần. Cứ đà này, giá đất nền tại nơi đây còn được làm giá và đẩy lên cao. Khi việc mua đi bán lại đất đai được ví như bán hàng đa cấp thì rất dễ hình thành bong bóng và vỡ. Nhà đầu tư nên thông thái tránh các bẫy lừa “mua đỉnh bán đáy” để rồi thiệt hại nặng nề về kinh tế.