Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao, UBND tỉnh Nghệ An vừa yêu cầu các đơn vị liên quan ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.
Ngoài ra, các chủ rừng tăng cường kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu rừng trọng điểm, quản lý tốt các hoạt động canh tác nương rẫy. Đặc biệt, việc xử lý thực bì cần chú trọng, đẩy mạnh.
Yêu cầu các đơn vị tăng cường các biện pháp tuần tra rừng, kiểm soát lửa rừng. Trong thời gian nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao duy trì quân số và trực 24/24 giờ hàng ngày tại Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng các cấp, Hạt Kiểm lâm, chủ rừng và tại các chòi canh lửa.
Ngoài ra, giám sát và quản lý chặt việc mang lửa vào rừng, sử dụng lửa ven rừng và trong rừng. Hướng dẫn việc sử dụng lửa an toàn đối với các hoạt động vui chơi, giải trí, thăm viếng của du khách, đốt hương, đốt vàng mã có nguy cơ bén lửa gây cháy rừng.
Liên quan đến vụ cháy rừng ở huyện Thanh Chương và Nam Đàn (Nghệ An) vào ngày 30/4, gây thiệt hại hàng chục ha, cơ quan chức năng mời 4 người lên làm việc.
Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) thông tin, bước đầu xác định một hộ dân ở xã Thanh Khai (huyện Thanh Chương) thuê 3 người lên rừng đốt thực bì trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Việc này là trái với quy định.
"Cơ quan chức năng đang xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng gây ra vụ cháy. Quan điểm của 2 huyện là sẽ làm nghiêm", ông Trình Văn Nhã nói.
Như Báo Sức khỏe và Đời sống thông tin, vụ cháy xảy ra khoảng 6h30 ngày 30/4 tại rừng thông và keo ở khu vực chân núi Đụn (xóm Tân Phong, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương).
Phát hiện sự việc, 2 huyện đã huy động gần 1.000 người gồm nhiều lực lượng đã khẩn trương chữa cháy. Tuy nhiên, nắng nóng, gió thổi mạnh khiến đám cháy lan sang rừng hỗn hợp ở thị trấn Nam Đàn và xã Nam Thái (huyện Nam Đàn).
Lực lượng chức năng ở huyện Nam Đàn đã thức trắng đêm để chữa cháy. Đến rạng sáng 1/5, đám cháy cơ bản được khống chế. Riêng ở huyện Thanh Chương, đến 10h sáng (1/5) đám cháy mới được dập tắt.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 58,33% với nhiều loại rừng khác nhau, trong đó có diện tích rừng trồng thông nhựa, rừng trồng bạch đàn (là những loài có tinh dầu), rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng hỗn giao gỗ nứa, nứa gỗ, rừng tre nứa chiếm tỷ trọng lớn, thảm thực bì rất dễ bén lửa gây ra chảy vào mùa khô.
Vào mùa Hè thường xảy ra nắng nóng khô hạn kéo dài, kết hợp gió phơn Tây Nam thổi mạnh, độ ẩm không khí xuống thấp, nguy cơ cháy rừng rất cao, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng và ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự, hủy hoại môi trường sinh thái và đời sống của người dân.
Thủy triều kiệt khiến cảng Quan Lạn cạn trơ đáy, tàu thuyền không thể cập bờ.