Ngày 13/11, ông Đặng Văn Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết, thời tiết đang bước vào mùa mưa bão, sắp tới có thể có các đợt rét đậm, rét hại làm giảm sức đề kháng, sức khỏe của đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh. Đặc biệt, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh và lây lan trong thời gian tới rất cao.
"Để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cần thực hiện các giải pháp tiêu độc, khử trùng môi trường, mua con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh. Đặc biệt, triển khai tiêm phòng vaccine" – ông Minh nhấn mạnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, ngoài yếu tố thời tiết thì người chăn nuôi trên địa bàn mang tính chất quảng canh, nhỏ lẻ, tận dụng các loại sản phẩm kém chất lượng trong sản xuất nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi, không chú trọng đến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng, chống dịch bệnh đúng quy trình, kỹ thuật.
Ngoài ra, người dân tự tái đàn, trong khi chuồng trại và môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi chưa được xử lý mầm bệnh triệt để bằng các loại hóa chất. Con giống được người dân mua trôi nổi trên thị trường, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ.
Hơn nữa, một số người dân ý thức kém, khi gia súc, gia cầm bị ốm, chết còn giấu dịch, không khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, không tiêu hủy gia súc, gia cầm đúng quy định mà vứt xác gia súc, gia cầm ra ao hồ, kênh rạch làm ô nhiễm môi trường, lây lan phát tán dịch bệnh.
Rõ nhất là trên địa bàn huyện Yên Thành (Nghệ An). Khi nhiều xác lợn vứt trôi nổi trên sông Đào dẫn nước từ sông Lam chảy từ huyện Đô Lương về phục vụ tưới tiêu cho nhiều huyện như: Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Tình trạng xác lợn vứt đầy sông đã mắc kẹt lại một số điểm bốc mùi hôi thối làm ô nhiễm môi trường.
Trước tình trạng này, ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thành, cho biết: "Ngoài tăng cường tuyên truyền cho người dân thì huyện đã thành lập các tổ xung kích trục vớt xác lợn chết trôi sông, không để gây ô nhiễm".
UBND huyện chỉ đạo Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An phối hợp vớt xác động vật trôi sông. Xác động vật trôi đến địa bàn xã nào thì xã đó có trách nhiệm cùng với công ty trục vớt và tiêu hủy đúng quy trình.
"Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường rà soát, tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc; cố tình vứt xác động vật gây ô nhiễm môi trường, làm lây lan dịch bệnh theo quy định của pháp luật. Trường hợp địa phương có hành vi né tránh, không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện" – ông Hồng nói.
Để kịp thời phòng, chống bệnh dịch này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã cử các đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác triển khai phòng, chống dịch ở cơ sở. Cùng với đó, cấp kịp thời hóa chất, vật tư để xử lý các ổ dịch trong diện hẹp. Khẩn trương lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời, sớm có kết quả, cung ứng vật tư phòng, chống dịch.
Miền Trung hứng đợt mưa cực lớn, Bộ Công an yêu cầu khẩn trương ứng phó mưa lũ, sạt lở đất - SKĐS