Chiều 18/3, UBTVQH bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực ngoại giao. Trách nhiệm trả lời chất vấn chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Đang đàm phán miễn thị thực song phương với nhiều nước
Tại phiên chất vấn, ĐBQH Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu, những năm gần đây, Việt Nam là điểm đến ưa thích của khách du lịch. Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước, tuy nhiên việc miễn thị thực và xin thị thực cho công dân Việt Nam còn hạn chế. Do vậy, đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp để cải thiện, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay, nhiều nước trên thế giới rất quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến an toàn với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp. Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh; gần đây nhất Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin thêm, hiện có 13 nước được Việt Nam miễn thị thực đơn phương. Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương để tạo điều kiện hoạt động xuất/nhập cảnh thông thoáng hơn. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đang đàm phán miễn thị thực song phương đối với nhiều nước về thị thực công vụ.
ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chất vấn liên quan đến việc có trường hợp du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước cử đi tu nghiệp ở nước ngoài không về làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác. Ông Hòa đề nghị bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán có biện pháp gì để lập lại kỷ cương?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, sau đại dịch COVID-19 thì giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được triển khai mạnh mẽ. Năm 2022 có khoảng 3,8 triệu lượt công dân của Việt Nam ra nước ngoài, năm 2023 con số này lên đến hơn 10 triệu lượt người ra nước ngoài lao động và học tập.
Trong bối cảnh đó, xảy ra một số vi phạm pháp luật các nước ảnh hưởng đến hợp tác của nước ta với các đối tác. Do đó, vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo cho các bộ, ngành liên quan phải xây dựng một quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động nước ta sang nước ngoài lao động đảm bảo vừa chấp hành tốt nội quy định của nước sở tại, đồng thời cũng là đóng góp vào sự phát triển KT-XH của nước sở tại và của quan hệ giữa 2 nước.
Giải pháp nào chặn người ra nước ngoài trái phép?
Còn ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chất vấn, hiện nay có tình trạng người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ đi lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết giải pháp để phát hiện, hỗ trợ người dân?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin, tình trạng trên diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.
Bên cạnh đó, cần chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp.