Trong các số báo 113, 115 ra ngày 16, 19/7, báo Sức khỏe&Đời sống đã có các bài viết phản ánh về sản phẩm Kình Nguyên Khang có những vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo và bị cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, mới đây nhất, sản phẩm này lại tiếp tục có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) như thuốc chữa bệnh nhằm đánh lừa người tiêu dùng và coi thường những quyết định xử lý của cơ quan chức năng.
Đã bị xử phạt … nhưng không sợ
Sau nhiều lần vi phạm quy chế quảng cáo, sản phẩm Kình Nguyên Khang bị Cục ATVSTP thu hồi giấy phép quảng cáo. |
Mặc dù đã bị xử lý nhưng Công ty TNHH TM&XNK Đại Đông không những không rút kinh nghiệm và sửa sai mà còn tiếp tục quảng cáo sản phẩm Kình Nguyên Khang như một loại thuốc chữa bệnh, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và thách thức quyết định xử phạt của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, qua kiểm tra, Cục ATVSTP còn phát hiện Công ty TNHH TM&XNK Đại Đông có hành vi vi phạm trong quảng cáo đối với sản phẩm TPCN viên nang mềm dương hoắc nhung sâm hiệu lộc ca.
Thu hồi giấy phép quảng cáo
Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS, ông Nguyễn Văn Nhiên - Chánh Thanh tra Cục ATVSTP cho biết, sản phẩm TPCN Kình Nguyên Khang và TPCN viên nang mềm dương hoắc nhung sâm hiệu lộc ca của Công ty TNHH&XNK Đại Đông đã liên tiếp có những hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo. Qua đó, Cục ATVSTP đã có quyết định thu hồi giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo 2 sản phẩm trên. Nếu công ty không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành.
Văn bản thu hồi giấy phép quảng cáo của sản phẩm Kình Nguyên Khang. |
Cụ thể, Cục ATVSTP đã có Quyết định số 756/QĐ-ATTP về việc thu hồi 2 giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo TPCN gồm: giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo số 1007/2010/TNQC-ATTP ngày 26/8/2010 cho sản phẩm TPCN Kình Nguyên Khang và giấy tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo số 1079/2010/TNQC-ATTP ngày 21/9/2010 cho sản phẩm TPCN viên nang mềm dương hoắc nhung sâm hiệu lộc ca do Công ty TNHH&XNK Đại Đông đã vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo TPCN như: quảng cáo trên tờ rơi có nội dung như thuốc chữa bệnh; quảng cáo có nội dung không đúng với nội dung đã đăng ký quảng cáo. Đặc biệt, hành vi vi phạm nêu trên đã lặp đi lặp lại nhiều lần (3 lần) trong năm 2011.
Thực trạng nhập nhèm trong lĩnh vực quảng cáo, đăng quảng cáo không đúng sự thật, trong khi thực chất chỉ là TPCN đã xảy ra không ít trong thời gian qua. Việc làm này đã khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là một sản phẩm có thể chữa được bệnh, trong khi thực tế không phải như thế. Để ngăn chặn những hành vi tương tự, cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra, quản lý quảng cáo TPCN và xử nghiêm các hành vi vi phạm để kịp thời cảnh báo và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Anh Tuấn