Hà Nội

Xử lý nạn đổ trộm phế thải: Vẫn như bắt cóc bỏ đĩa

20-11-2015 00:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, nạn đổ trộm phế thải liên tiếp diễn ra tại một số địa bàn quận, huyện của Hà Nội. Mới đây nhất, ngày 17/11...

Thời gian gần đây, nạn đổ trộm phế thải liên tiếp diễn ra tại một số địa bàn quận, huyện của Hà Nội. Mới đây nhất, ngày 17/11, vụ đổ trộm phế thải trên đường Trần Duy Hưng đã làm tắc đường nhiều giờ liền, gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Việc xử lý lại gặp nhiều khó khăn do chủ yếu phụ thuộc việc bắt quả tang,  trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp mạnh tay hơn với loại tội phạm này.

Khó bắt tận tay

Liên quan đến chiếc xe tải làm rơi đầy bùn đất ra đường Trần Duy Hưng sáng 17/11 gây mất an toàn giao thông, ông Trần Văn Dũng - Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông Vận tải (GTVT) Cầu Giấy cho biết, chiếc xe thuộc Công ty Vận tải Nam Cường. Đội Thanh tra GTVT Cầu Giấy đã lập biên bản xử lý vi phạm, cùng với đó yêu cầu khắc phục hậu quả. Nguyên nhân được xác định do lượng bùn đất được Công ty Nam Cường vận chuyển từ một công trình trên phố Ngọc Khánh, chở về bãi thải Yên Mỹ, Thanh Trì, đến phố Trần Duy Hưng thì bị tụt nắp thùng xe đằng sau nhưng vẫn bỏ chạy, không khắc phục.

Xử lý nạn đổ trộm phế thải: Vẫn như bắt cóc bỏ đĩa

Lực lượng CSGT tham gia dọn dẹp một vụ đổ phế thải ra đường gây cản trở giao thông.

Ngoài việc thiếu ý thức trong vận chuyển gây ô nhiễm Thủ đô, tình trạng đổ trộm chất thải vật liệu xây dựng vẫn không giảm, với những thủ đoạn tinh vi, táo bạo hơn rất nhiều. Khó khăn của lực lượng chức năng đó chính là các đối tượng thường chọn thời điểm hoạt động về đêm khuya hoặc rạng sáng, đường phố rất vắng vẻ, các đối tượng tranh thủ chớp nhoáng rồi bỏ trốn. Do tính chất hoạt động phức tạp của các đối tượng vi phạm, các phương tiện đều lấm lem bùn đất nên việc xác minh biển kiểm soát của xe để truy tận gốc vi phạm rất khó khăn. Vì vậy, việc xử lý vi phạm đổ trộm phế thải chỉ có hiệu quả khi bị lực lượng chức năng bắt quả tang.

Mặc dù, UBND TP. Hà Nội đã có quy định về việc xử phạt người dân có hành vi vứt rác thải bừa bãi, sẽ bị phạt từ 100.000-300.000 đồng; đổ chất thải rắn trên đường phố sẽ bị phạt lên đến 15 triệu đồng. Quy định xử phạt đã có, tuy nhiên, nếu quan sát trên các đường phố và khu dân cư tại Hà Nội, nhiều người dễ nhận thấy hiện tượng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người quá vô ý thức và chưa có ai xử phạt dù đã có quy định mức phạt. Vấn đề ở đây không phải là số tiền phạt tăng cao tới bao nhiêu mà là cách thức phạt và xử phạt thế nào cho thực sự hiệu quả.

Nan giải biện pháp xử lý

Theo quy định tại Nghị định 171, đối với những phương tiện đổ chất thải, vật liệu xây dựng xuống đường phố, sẽ bị xử phạt 12,5 triệu đồng. Đối với tổ chức, cơ quan, công ty vi phạm, mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi. Tất cả các trường hợp vi phạm ngoài hình thức xử phạt theo quy định đều phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu, khắc phục hậu quả. Song thực tế việc xử lý các lái xe vi phạm khá phức tạp. Để tạo sức răn đe hơn nữa đối với các lái xe cố tình vi phạm, không hợp tác, ngoài hình phạt theo quy định, lực lượng chức năng kiến nghị nên ngừng cấp phép hoặc tạm đình chỉ tất cả các phương tiện vi phạm hoạt động trong khung thời gian cụ thể.

Việc phát hiện, xử lý vi phạm trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao là do thủ đoạn đối phó của đối tượng vi phạm, trong khi đó lực lượng chức năng còn mỏng, địa bàn rộng, nhiều tuyến đường ít người qua lại nên nạn đổ lén phế thải rất khó bắt quả tang. Mặt khác, chế tài để xử phạt các đối tượng đổ trộm phế thải vẫn còn nhẹ chưa đủ sức răn đe, đồng thời trước đây khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng được phép tạm thu giữ phương tiện, còn hiện nay chỉ là xử phạt đơn thuần.

Được biết, việc xử phạt tội đổ trộm vật liệu xây dựng không phải là trách nhiệm của một ngành, theo ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, hiện việc quản lý, xử phạt nạn đổ trộm phế thải xây dựng thuộc rất nhiều ngành, bao gồm Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Thanh tra xây dựng, trong đó, chịu trách nhiệm chung là Sở Xây dựng Hà Nội. Về cơ bản, khi xe vận chuyển trên đường, nếu vi phạm về che đậy, mui bạt... thì Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông... sẽ xử lý; còn khi bắt quả tang đối tượng đổ trộm để xử phạt thì Cảnh sát môi trường, Thanh tra xây dựng xử lý... Chính vì sự chồng chéo như vậy nên việc xử phạt vẫn chưa hiệu quả. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng trên địa bàn Thủ đô là rất lớn, để giám sát toàn bộ các công trường xây dựng xem họ đổ phế thải đi đâu để bắt quả tang là rất khó. Thiết nghĩ, muốn giải quyết tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng, cần phải xử lý nghiêm từ gốc. Bên cạnh sự phối hợp của các ngành chức năng, cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Khi cấp giấy phép xây dựng phải có sự ràng buộc, cam kết yêu cầu nhà thầu đổ phế thải đúng nơi quy định và có điều khoản xử phạt nếu không thực hiện. 

  Trần Lâm

 


Ý kiến của bạn