HIV, các bệnh nhiễm trùng khác và thuốc điều trị HIV có thể gây ra nhiều tác dụng phụ liên quan đến đường ruột (tiêu hóa). Khi các vấn đề tiêu hóa là kết quả của tác dụng phụ của thuốc, chúng thường biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần điều chỉnh với thuốc mới. Tuy nhiên, đối với một số người sống chung với HIV, những tác dụng phụ này có thể kéo dài hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tốt nhất là thông báo các triệu chứng tiêu hóa này cho bác sĩ điều trị biết, để xác định xem chúng là tác dụng phụ của việc điều trị hay là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý khác để có cách xử lý thích hợp.
1. Buồn nôn, nôn - triệu chứng tiêu hóa thường gặp ở người nhiễm HIV
Buồn nôn làm giảm cảm giác thèm ăn và có thể do một số loại thực phẩm, đói, nhiễm trùng, căng thẳng, thiếu nước… nhưng cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV.
Đối với nhiều người, buồn nôn tự hết sau vài tuần dùng thuốc mới. Một số khác có thể cần dùng thuốc chống buồn nôn. Tuy nhiên, một số thuốc chống nôn có thể tương tác với thuốc điều trị HIV và các thuốc khác mà người nhiễm HIV đang sử dụng. Do đó, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh các tương tác bất lợi này.
Nếu nôn nhiều, cơ thể sẽ mất nước. Đối với những người quá yếu, không thể ăn, việc uống nước, nước trái cây, súp rau… thường xuyên và chia nhỏ ra có thể hữu ích.
Trà thảo mộc, trà gừng có thể làm giảm cảm giác buồn nôn ở người nhiễm HIV
Khuyến nghị chung giảm buồn nôn, nôn
- Ngồi dậy khi ăn: Cố gắng không nằm xuống cho đến một hoặc hai giờ sau khi ăn.
- Uống nhiều nước sau bữa ăn.
- Cố gắng không tự chuẩn bị thức ăn, vì mùi khi chuẩn bị hoặc nấu thức ăn có thể làm tăng cảm giác buồn nôn. Hãy nhờ người khác chuẩn bị thức ăn hoặc ăn những thức ăn ít cần chuẩn bị.
Thực phẩm nên ăn và uống
- Nếu bị nôn, hãy tiếp tục uống một lượng nhỏ nước, súp, trà gia vị. Ăn thức ăn mềm và quay lại ăn thức ăn rắn khi hết nôn.
- Có thể làm giảm cảm giác buồn nôn bằng cách ngửi vỏ cam hoặc chanh tươi, hoặc uống nước cốt chanh pha với nước nóng hoặc trà thảo mộc, trà gừng…
- Ăn thức ăn khô và mặn hơn như bánh mì nướng, bánh quy giòn và ngũ cốc.
Thực phẩm cần tránh
- Thức ăn béo, nhiều dầu mỡ và rất ngọt có thể khiến buồn nôn tệ hơn. Hãy thử loại bỏ từng loại thức ăn một, khỏi chế độ ăn, để xem liệu có tạo ra sự khác biệt không. Nếu có, hãy tránh thức ăn đó. Tuy nhiên các thực phẩm này có thể ảnh hưởng khác nhau ở mỗi người, nên cần tìm ra loại thức ăn phù hợp nhất với mình.
- Có những loại thuốc có thể làm giảm buồn nôn, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
2. Chán ăn
Chán ăn là một trong những vấn đề phổ biến nhất ở những người nhiễm HIV/AIDS. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm nhiễm trùng, đau (đặc biệt là ở miệng hoặc ruột), trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi hoặc chế độ dinh dưỡng kém. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là phải tiếp tục ăn để ngăn ngừa tình trạng sụt cân và suy dinh dưỡng, đồng thời duy trì sức khỏe để đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Cách lấy lại cảm giác thèm ăn:
- Hãy thử nhiều loại thực phẩm khác nhau cho đến khi tìm được loại mình thích và cố gắng áp dụng chế độ ăn hỗn hợp.
- Ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn. Ăn bất cứ khi nào người bệnh thấy ngon miệng và không quá cứng nhắc về thời gian cố định cho các bữa ăn.
- Hãy thử các công thức nấu ăn đơn giản có thể giúp bạn lấy lại cảm giác thèm ăn.
- Cố gắng uống nhiều nước, sữa, sữa chua, súp, trà thảo mộc hoặc nước ép trong suốt cả ngày. Uống chủ yếu sau và giữa các bữa ăn (không uống quá nhiều trước hoặc trong bữa ăn).
- Thêm hương vị cho món ăn và làm cho món ăn trông có hương vị hấp dẫn, tăng cảm giác thèm ăn.
- Tránh đồ uống có ga, bia và các thực phẩm như bắp cải, bông cải xanh và đậu vì chúng tạo ra khí trong dạ dày và có thể khiến bạn cảm thấy đầy hơi.
- Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ ngoài trời, hít thở nhiều không khí trong lành để kích thích cảm giác thèm ăn.
- Ăn ở nơi thông thoáng, tránh xa nơi nấu nướng hoặc có mùi khó chịu.
- Tránh uống rượu vì rượu làm giảm cảm giác thèm ăn, làm cơ thể suy yếu và ảnh hưởng đến thuốc.
Sữa chua hỗ trợ tiêu hóa khi vi khuẩn tự nhiên trong ruột vốn để tiêu hóa thức ăn có thể bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc khác.
3. Táo bón, đầy hơi
Những người nhiễm HIV/AIDS có thể gặp vấn đề trong việc tiêu hóa một số loại thực phẩm hoặc có thể bị táo bón và đầy hơi. Những vấn đề này là do vi khuẩn tự nhiên trong ruột bị tổn thương, vốn cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Những vi khuẩn này có thể bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc khác.
Khuyến nghị chung
- Nhai kỹ thức ăn sẽ giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Thêm đu đủ thái nhỏ vào thịt có tác dụng làm mềm và hỗ trợ tiêu hóa.
- Thực phẩm lên men như nước bắp cải chua, cháo chua, sữa chua và giá đỗ có thể dễ tiêu hóa hơn, hỗ trợ tiêu hóa các thực phẩm khác.
Thực phẩm cần tránh
Một số người thấy thực phẩm béo như đồ chiên, khoai tây chiên, phô mai cứng, bơ đậu phộng và kem khó tiêu hóa. Tuy nhiên, có thể quay lại chế độ ăn hỗn hợp bình thường khi cảm thấy tốt hơn.
Làm thế nào để ngăn ngừa táo bón?
- Ăn chất xơ không hòa tan có trong các thực phẩm như rau và trái cây sống, trái cây sấy khô, bánh mì đen nguyên cám, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và hạt giống.
- Ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên trong ngày.
- Uống nhiều nước trong ngày.
- Thường xuyên vận động và tập thể dục để kích thích nhu động ruột, cải thiện tiêu hóa.
Làm thế nào để ngăn ngừa cảm giác đầy hơi?
- Không nên uống quá nhiều trong khi ăn.
- Tránh các loại thực phẩm như bắp cải, đậu, hành tây, bông cải xanh, cải Brussels và súp lơ, cũng như đồ uống có ga lạnh tạo ra khí trong dạ dày.
- Một số người thấy khó tiêu hóa thực phẩm nguyên cám và thực phẩm giàu chất xơ, đặc biệt là khi chế độ ăn cũng chứa đường và thực phẩm có đường. Cố gắng loại bỏ đường và thực phẩm có đường khỏi chế độ ăn trong một thời gian.
Mời bạn xem thêm video:
Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên | SKĐS