Vì sao phụ nữ mang thai bị tăng tiết mồ hôi?
Tuyến mồ hôi được điều hành bởi thần kinh phó giao cảm. Khi hệ thần kinh này bị kích thích, sẽ thúc đẩy các tuyến mồ hôi thải ra nhiều mồ hôi.
Khi mang thai, do thay đổi hormone làm mất cân bằng nội tiết tố là nguyên nhân chính gây ra tăng tiết mồ hôi. Lúc này, hàm lượng estrogen thường giảm và progesteron tăng khiến vùng não điều khiển thân nhiệt hoạt động kém.
Kết quả là cơ thể thường bị nóng hơn và đổ mồ hôi để cân bằng nhiệt độ. Tình trạng này xảy ra tương tự khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
Ngoài ra, khi mang thai, nồng độ corticoid trong máu của thai phụ tăng lên làm tuyến thượng thận hoạt động quá mức, gây đổ mồ hôi vào ban đêm.
Ở một số trường hợp mang thai mà gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp như suy giáp hoặc cường giáp cũng khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn. Trường hợp này còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Do đó cần dùng thuốc điều trị sớm.
Khi mang thai, nhiều chị em cũng bị thay đổi thói quen ăn uống. Nhiều người thích ăn chua, có người thích ăn ngọt, có người thích ăn cay... Những thói quen ăn uống này, nhất là khi tiêu thụ nhiều thức ăn cay, nóng, nhiều gia vị, đồ nướng... sẽ khiến mồ hôi tiết ra nhiều hơn.
Cần làm gì khi bị tăng tiết mồ hôi?
Trừ tăng tiết mồ hôi do nguyên nhân ở tuyến giáp hoặc mắc một số bệnh lý khác, thì tăng tiết mồ hôi khi mang thai không ảnh hưởng gì nhiều đến thai nhi và sức khỏe của thai phụ. Tình trạng này sẽ hết sau khi sinh và nội tiết tố cân bằng trở lại. Tuy nhiên, mồ hôi nhiều sẽ khiến thai phụ khó chịu. Do đó có thể áp dụng một số biệt pháp để giảm tình trạng đổ mồ hôi nhiều.
Để phòng thoáng mát, mở cửa sổ khi thời tiết mát. Nếu thời tiết nóng, nên bật điều hòa, quạt thông gió. Lưu ý không nên ngồi trong phòng điều hòa 24/24 giờ mà vào buổi sáng hoặc chiều tối mát, nên mở cửa để không khí trong phòng được lưu thông.
Chọn quần áo mềm mại, thấm mồ hôi. Quần áo ngủ nên mỏng, chất liệu cotton sẽ giúp thấm mồ hôi và khiến cơ thể cảm thấy mát mẻ hơn. Vào ngày hè, đêm đi ngủ, chỉ nên đắp chăn mỏng bằng cotton để ổn định thân nhiệt khi ngủ và giảm tiết mồ hôi.
Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc nặng. Đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc. Đây cũng là cách quan trọng để vùng não điều khiển cân bằng thân nhiệt hoạt động tốt và giảm đổ mồ hôi.
Nên tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn và đúng cách giúp nâng cao sức khỏe, duy trì hoạt động ổn định của các hormone. Từ đó, khiến vùng não điều khiển thân nhiệt hoạt động hiệu quả, hạn chế mồ hôi, nhất là đổ mồ hôi vào ban đêm.
Không nên uống cà phê, rượu, thực phẩm nhiều gia vị trong thực đơn hàng ngày. Không ăn nhiều đồ ngọt.
Bổ sung nước đầy đủ, do tăng tiết mồ hôi sẽ khiến cơ thể mất nước nhiều hơn.
Tắm rửa thường xuyên, giúp cơ thể mát và dễ chịu hơn.
Đi khám thai thường xuyên để kiểm tra sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe thai phụ. Đi khám ngay nếu thấy tăng tiết mồ hôi kèm theo cơ thể mệt mỏi, tim đập nhanh...
Mời độc giả xem thêm video:
Ra nhiều mồ hôi có phải là bệnh?- - SKĐS