Kết quả biểu quyết qua hình thức điện tử cho thấy, có 473/478 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,75%), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021.
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày tóm tắt Báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết về quyết toán NSNN năm 2021 và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021.
Ông Lê Quang Mạnh cho biết, UBTVQH nhất trí với các ý kiến của ĐBQH cho rằng, kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia thực hiện chưa nghiêm; nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm đã được nêu trong báo cáo kiểm toán quyết toán và báo cáo thẩm tra chưa được khắc phục. Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo nêu rõ những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong lập, chấp hành, quyết toán NSNN tại Điều 1 và yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng NSNN; kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Về thu chi NSNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo nêu rõ các kết quả, thành tích đạt được và các tồn tại, hạn chế liên quan đến thu NSNN và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tổng kết, đánh giá khi xem xét, sửa đổi Luật NSNN đối với đề xuất của ĐBQH; tiếp tục tăng cường công tác dự báo, lập dự toán thu tiền sử dụng đất và quản lý chặt chẽ hơn số tăng thu NSNN.
Ông Lê Quang Mạnh cũng cho biết thêm, UBTVQH nhất trí với ý kiến ĐBQH, việc hạch toán, thanh toán, quyết toán huy động, sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Để đồng bộ các nội dung liên quan đến giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH chỉ đạo, yêu cầu Chính phủ hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thanh toán, quyết toán các khoản huy động, thu, chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và báo cáo Quốc hội kết quả huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, số chi chuyển nguồn năm 2021 sang 2022 lớn, tăng cả quy mô, tỷ trọng. UBTVQH nhất trí với ý kiến ĐBQH liên quan đến việc chi chuyển nguồn lớn, tăng cả quy mô và tỷ trọng. Trong thời gian vừa qua, các Nghị quyết của Quốc hội liên tục yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này, nhưng đến nay cơ bản chưa có biến chuyển. UBTVQH đã chỉ đạo nêu rõ các tồn tại, hạn chế và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục.
UBTVQH cũng đề nghị ĐBQH cho quyết toán số chi NSNN, số chi chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022 theo số liệu đề xuất của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước. Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm về tính hợp lý, chính xác các thông tin, số liệu quyết toán NSNN và khoản chi chuyển nguồn bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Trường hợp sau khi Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN, phát hiện các khoản thu, chi, chuyển nguồn không đúng quy định sẽ xử lý theo quy định tại Điều 73 Luật NSNN.