Các cơ quan nằm trong ổ bụng nếu gặp vấn đề sẽ biểu hiện ra bằng đau bụng với những tính chất khác nhau. Thậm chí một số cơ quan ngoài ổ bụng như tim, màng phổi, động mạch chủ... khi tổn thương cũng biểu hiện bằng đau bụng do thần kinh dẫn truyền.
Vị trí đau có thể gợi ý nguyên nhân đau bụng: đau hạ sườn phải là áp-xe gan, giun chui ống mật, viêm túi mật cấp... Đau thượng vị: viêm dạ dày, viêm tụy, giun chui ống mật, nhồi máu cơ tim... Đau hạ sườn trái: viêm đại tràng, viêm thận, sỏi thận... Đau hạ vị: viêm bàng quang, sỏi bàng quang, viêm tử cung phần phụ, chửa ngoài tử cung ở phụ nữ... Đau quanh rốn: viêm dạ dày ruột, đau bụng giun, ngộ độc thức ăn... Đau hố chậu phải: viêm ruột thừa, sỏi niệu quản... Đau hố chậu trái: sỏi niệu quản trái, xoắn đại tràng...
Đau không có vị trí cụ thể, chẳng hạn đau quặn bụng có thể do co thắt từ ruột, viêm nhiễm trong ổ bụng...
Các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh: ăn uống không vệ sinh, thức ăn thiu; uống rượu bia; uống ít nước tăng nguy cơ gây bệnh sỏi thận...
Để xử trí khi đau bụng cấp, cần phải cấp cứu kịp thời, do đó mọi trường hợp đau bụng cấp cần phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện để khám xác định bệnh. Trên thực tế, rất khó để phân biệt các cơn đau bụng thông thường với các cơn đau bụng nguy hiểm nếu không do bác sĩ khám, chẩn đoán. Bệnh nhân và người nhà cần lưu ý, không tự ý sử dụng các thuốc giảm đau, vì sẽ làm lu mờ triệu chứng của bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh đau bụng nguy hiểm.
Tại bệnh viện, bác sĩ có thể phải cho bệnh nhân làm các xét nghiệm máu và thăm dò chức năng như siêu âm, chụp cắt lớp ổ bụng, chụp Xquang... để tìm ra nguyên nhân đau bụng.