Xử lý hậu quả rất phức tạp khi cháy bãi giữ xe vi phạm giao thông

26-05-2022 10:05 | Xã hội
google news

Vừa qua, nhiều xe máy trong bãi giữ xe vi phạm ngoài trời của Công an phường Tân An, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã bị cháy trơ khung, hư hỏng trong vụ hỏa hoạn xảy ra sáng 22/5. Xử lý hậu quả những vụ việc này thường rất phức tạp.

Theo báo cáo ban đầu, vụ cháy xảy ra khoảng 10h30 cùng ngày, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại bãi giữ xe rộng khoảng 80m2 khiến hơn 100 xe máy đang bị tạm giữ tại đây bị cháy trơ khung, hư hỏng.

Trước đó, ngày 30/3/2021, một đám cháy lớn xảy ra tại bãi xe trên đường Thống Nhất, phường Bình Thọ do CSGT TP Thủ Đức quản lý. Bãi xe này là khu vực kho giữ xe vi phạm giao thông, tang vật của CSGT TP Thủ Đức. Nhiều tài sản, xe máy bị thiêu rụi, may mắn không có thiệt hại về người. 

Khoản 5, điều 125, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a, khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) quy định: "Người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.".

Như vậy, người trực tiếp quản lý, bảo quản phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ phương tiện.

Bên cạnh đó, việc xử lý hậu quả do đám cháy gây ra rất phức tạp, do tài sản chủ yếu là phương tiện bị tạm giữ chờ người vi phạm xử lý hoặc phương tiện đã bị tịch thu chờ bán đấu giá sung công quỹ nhà nước hoặc phương tiện đó là tài sản vô chủ đang chờ xác minh,...Vụ cháy không chỉ gây thiệt hại cho các chủ phương tiện mà còn thiệt hại tài sản của Nhà nước, làm mất an ninh, trật tự tại địa phương. Hiện nay, các lực lượng chức năng đang thống kê thiệt hại, bồi thường theo quy định; đồng thời, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan để có hướng xử lý cụ thể.

Một vấn đề đặt ra đó là việc quản lý tại các bãi giữ xe là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hiện nay còn lỏng lẻo, công tác phòng cháy, chữa cháy chưa được quan tâm đúng mức. Việc phân loại, xử lý đối với phương tiện vi phạm bị tịch thu bán đấu giá sung công quỹ nhà nước chưa được kịp thời; phương tiện vi phạm bị tạm giữ không được bảo quản tốt nên giảm sút chất lượng; chưa có quy định rút ngắn thời gian xử lý đối với phương tiện khi chủ phương tiện không phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm hành chính…

Với mức phạt rất nặng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì người vi phạm có xu hướng bỏ phương tiện và không chấp hành việc nộp phạt có chiều hướng gia tăng; phương tiện bỏ lại chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy hoặc xe độ chế; giá trị phương tiện thường thấp hơn so với mức xử phạt. Các phương tiện này đều được đưa về các bãi tạm giữ để chờ xử lý.

Xử lý hậu quả rất phức tạp khi cháy bãi giữ xe vi phạm giao thông - Ảnh 1.

Bãi giữ xe vi phạm của CSGT Hà Nội tại 360 đường Giải phóng có diện tích khoảng 4.000m2 luôn quá tải (Ảnh: Phạm Hải)

Do số lượng phương tiện bị tạm giữ gia tăng đột biến nên gây áp lực cho CSGT trong việc bố trí nơi tạm giữ phương tiện. Việc trông giữ phương tiện với số lượng lớn có nguy cơ xảy ra cháy nổ và trộm cắp tài sản; phương tiện tạm giữ lâu ngày sẽ bị hoen rỉ, giám sút chất lượng. Nhiều phương tiện hư hỏng đến mức không thể phục hồi. Khi hết thời hạn tạm giữ, người vi phạm không đến nộp phạt và nhận lại phương tiện thì người có thẩm quyền xử phạt phải ban hành quyết định tịch thu phương tiện, bán đấu giá để sung công quỹ Nhà nước.

Khi tổ chức bán đấu giá thì giá trị của các phương tiện đã giảm sút, nhiều phương tiện chỉ quy đổi thành sắt vụn để bán đấu giá. Do đó, số tiền thu lại từ việc bán đấu giá các phương tiện bị tịch thu thường rất thấp.

Để đảm bảo an toàn tại các bãi giữ xe là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của CSGT hiện nay, ngoài thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định thì phải thực hiện tốt việc bảo quản phương tiện vi phạm, không để tình trạng trộm cắp tài tài sản xảy ra.

Đồng thời, giảm tải số lượng phương tiện bị tạm giữ tại các bãi giữ phương tiện vi phạm bằng cách thường xuyên phân loại, tịch thu, tiến hành ngay việc định giá và tổ chức bán đấu giá phương tiện để sung công quỹ nhà nước, nhất là những phương tiện mà người vi phạm cố tình bỏ lại để trốn tránh việc xử lý vi phạm; phương tiện tham gia đua xe trái phép hoặc những phương tiện mà chủ sở hữu không đến giải quyết theo yêu cầu sau khi đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định và đã thông báo đến chủ sở hữu phương tiện vi phạm,…Có như vậy, mới giảm áp lực và đảm bảo an toàn tại các bãi xe vi phạm giao thông hiện nay.

Xem thêm video đang được quan tâm

Thêm 79 ổ dịch sốt xuất huyết mới, tỷ lệ ca nặng ở TP.HCM tăng gấp 5 lần năm 2021


Đỗ Văn Nhân
Theo Vietnamnet.vn
Ý kiến của bạn