Xử lý hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với cả người đã ly hôn, chung sống như vợ chồng

26-10-2022 17:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 26/10, Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đề nghị bổ sung đối tượng là "người tình" của vợ, chồng đã ly hôn

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nêu rõ, về hành vi bạo lực gia đình, UBTVQH nhận thấy, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của các nhóm hành vi bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục hoặc kinh tế. Tuy nhiên, cũng có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, nên nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình của từng vụ việc.

Có ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người là anh, chị, em của người đã ly hôn. Có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng là "người tình" của vợ, chồng đã ly hôn và con riêng của vợ, chồng hoặc của người đang chung sống với nhau như vợ chồng, con riêng của người đã ly hôn.

Xử lý hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với cả người đã ly hôn, chung sống như vợ chồng - Ảnh 1.

Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: QUANG PHÚC

Về điều này, UBTVQH cho biết, thực tế, nhiều trường hợp nam, nữ không kết hôn hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.

Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình "lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm", mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những người đã ly hôn với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, ngăn ngừa các hành vi bạo lực trong tương lai. Đồng thời, những người trong cuộc được áp dụng các quy định đặc thù trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.

Ai được phép góp ý, phê bình trong cộng đồng?

Về tư vấn, hòa giải phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình, UBTVQH chỉnh lý theo hướng rà soát bổ sung nội dung tư vấn, bổ sung đối tượng cần tập trung tư vấn; Bổ sung quy định giao UBND cấp xã chủ trì thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho người thực hiện tư vấn ở cộng đồng; bổ sung quy định đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình là một nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 45, khoản 4 Điều 46).

Về hòa giải để phòng ngừa bạo lực gia đình (Điều 17, 18), UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 17 để thể hiện rõ hòa giải là biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình từ sớm để không làm phát sinh hoặc tái diễn bạo lực gia đình; hòa giải không thay thế các biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình và một trong các nguyên tắc của hòa giải để phòng ngừa bạo lực gia đình là không hòa giải hành vi bạo lực gia đình.

Về xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Điều 20), UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình, về địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình và xử lý tin báo, xác minh, phân loại và xử lý vụ việc bạo lực gia đình để bảo đảm chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả như thể hiện tại các Điều 12, 19 và 20 của dự thảo Luật.

Về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án và giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc (Điều 25, 26 và Điều 27), UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định về trường hợp khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối thì Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc như thể hiện tại khoản 2 Điều 25 dự thảo Luật.

Về biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 32), UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 32 dự thảo Luật theo hướng: Bỏ điều kiện "đã được hòa giải"; quy định các trường hợp bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, đó là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi bạo lực gia đình từ 02 lần trở lên trong 12 tháng mà chưa bị xử lý vi phạm hành chính hoặc có hành vi bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính;

Bổ sung thành phần tham gia góp ý, phê bình là đại diện tổ chức chính trị - xã hội cấp xã mà người có hành vi bạo lực gia đình hoặc người bị bạo lực gia đình là thành viên; Bổ sung trách nhiệm của Công an cấp xã đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến địa điểm tổ chức góp ý, phê bình trong trường hợp người đó cố tình vắng mặt; Quy định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, công an cấp xã trong tổ chức thực hiện biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư.

ĐBQH đề nghị có quy định riêng để bảo vệ trẻ em khi xảy ra bạo lực gia đìnhĐBQH đề nghị có quy định riêng để bảo vệ trẻ em khi xảy ra bạo lực gia đình

SKĐS - ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) rà soát kỹ và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn